Báo Sức khỏe và Đời sống thông tin, đưa bé trai 5 tuổi đến khám tại PKĐK Tâm Anh, gia đình cho biết trước đó bé bị khó nuốt nên lười ăn dẫn đến sụt cân, bụng chướng, tưởng bị giun sán nên cho uống thuốc sổ nhưng không khỏi.
Sau khi thăm khám, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, khoa Ngoại Nhi chỉ định chụp CT phát hiện nang thực quản đôi kích thước 3x4cm. Nang nằm ở đoạn bụng, ngay đường đi vào dạ dày nên gây ra các triệu chứng tiêu hóa.
Ảnh minh họa.
Tình trạng biếng ăn kéo dài dẫn đến sụt cân cho thấy nang thực quản đã ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và khả năng hấp thu của bé. Nếu để lâu, sẽ tiếp tục lớn lên gây tắc nghẽn hoàn toàn, dẫn đến các biến chứng như xuất huyết, nhiễm trùng, thủng ổ bụng…
Bác sĩ rạch một đường trên thành bụng của bé, bơm khí CO2 vào ổ bụng để làm rộng phẫu trường, sau đó đưa camera vào, xác định vị trí và bóc tách khối nang ra khỏi thành của thực quản mà không gây tổn thương các tạng xung quanh. Khối nang được gửi đến phòng xét nghiệm để làm giải phẫu bệnh, xác định là nang thực quản đôi lành tính. Bệnh nhi được xuất viện sau 3 ngày.
Êkíp bác sĩ Ngoại Nhi phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Báo VnExpress cho hay, nang thực quản đôi là dị tật bẩm sinh với tỷ lệ 1/8.200 trẻ, trong đó khả năng xuất hiện ở bé trai cao gấp đôi bé gái. Bệnh xảy ra khi một cấu trúc dạng túi hoặc ống (nang) hình thành, dính vào thực quản. Nguyên nhân gây bệnh thường do sự phát triển bất thường của phôi thai ở tuần thứ 4 đến thứ 8 thai kỳ. Trong giai đoạn này, khi ống ruột trước đang hình thành thực quản, khí quản, một sự phân tách bất thường có thể xảy ra, tạo ra một cấu trúc thừa là nang đôi.
Nang lớn chèn ép vào cơ quan lân cận gây nhiều triệu chứng khác nhau. Nang chèn vào thực quản sẽ gây khó nuốt, nôn trớ, chậm lớn, sụt cân. Trường hợp nang ép đường thở khiến khó thở, thở rít, khò khè, ho dai dẳng không rõ nguyên nhân, viêm phổi tái phát. Một số trường hợp có biểu hiện đau ngực hoặc đau bụng trên, cảm giác có khối u ở vùng ngực hoặc cổ...
Đa số trường hợp nang thực quản đôi ở trẻ không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe qua công cụ chẩn đoán hình ảnh như X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI), siêu âm nội soi. Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ bệnh, bác sĩ Trọng khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đi khám. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ nang để giải quyết triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng.