Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thuê 3 giúp việc trong 1 tháng nhưng họ đều xin nghỉ, tôi phát hoảng khi biết lý do liên quan đến bố chồng

Nghe giúp việc báo tình hình, tôi hoang mang.

Khó nhất trong chuyện nuôi dạy con, là những thành viên trong gia đình phải tạo dựng được sự liên kết chặt chẽ. Nếu “ông nói gà, bà nói vịt”, con trẻ sẽ rất khó định hình được tính cách và con người sẽ trở thành trong tương lai. Vì hiểu rõ điều này, nên tôi luôn lấy đó làm kim chỉ nam để giáo dục con trai. Nào ngờ, mọi chuyện dần bị phá vỡ khi tôi đón bố chồng lên nhà sống cùng. 

Mẹ chồng mất, bố chồng cũng đã lớn tuổi nên kể từ tháng trước, tôi và chồng đã bàn tính rồi quyết định đưa ông nội lên ở với cháu, vừa tiện để chúng tôi có thể chăm sóc bố. Từ khi nhà có thêm thành viên, để tiện chăm sóc thì tôi đã thuê thêm giúp việc hỗ trợ.

Ảnh minh hoạ

Ông cháu vừa chăm sóc nhau, vừa có giúp việc bên cạnh nên vợ chồng yên tâm đi làm kiếm tiền. Mọi thứ vẫn ổn, cho đến khi tôi nhận ra trong vòng 1 tháng mà tôi đã phải thay 3 người giúp việc và họ lại chính là người chủ động xin nghỉ.

Hai người đầu tiên đều có lý do chính đáng, nên tôi cũng không nghi ngờ gì. Nhưng đến khi chị giúp việc thứ 3, người mà tôi ưng ý nhất xin chấm dứt hợp đồng, tôi mới bắt đầu cảm thấy có điều gì đó không ổn ở đây. Vì rõ ràng, tôi đã bỏ ra số tiền không hề nhỏ mỗi tháng để thuê họ.

Khi tôi hỏi lý do, chị giúp việc ấp a ấp úng và tìm cách né tránh hoặc bịa ra một nguyên nhân nào đó. Sự bối rối trong thái độ của chị, càng khiến tôi tin rằng có uẩn khúc trong chuyện này và tôi đã năn nỉ rất nhiều để chị giúp việc nói ra sự thật trước khi nghỉ.

Cuối cùng với sự thành khẩn của tôi, chị ấy cũng tiết lộ lý do liên quan đến bố chồng. Tôi đã cực kỳ kinh ngạc với những gì bố chồng đã làm. Hoá ra trong suốt thời gian qua, giúp việc đã nhiều lần bị bố chồng tôi la mắng, thậm chí là xúc phạm vì ông cho rằng họ chăm cháu không đúng ý mình.

Tuy nhiên, theo như lời giúp việc thì người quá đáng và bảo thủ là bố chồng chứ không phải họ. Vì họ đã làm theo đúng yêu cầu ban đầu tôi đã đưa ra trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy đứa trẻ. Nhưng kể từ khi có sự hiện diện của bố chồng, ông đã khiến mọi việc bị xáo trộn. 

 
 

Biết là ông bà nào cũng thương cháu, nhưng vì thương mà chiều chuộng đứa trẻ quá mức sẽ dễ khiến bé hư hỏng. Nhiều lần giúp việc lên tiếng nhắc nhở, đã bị bố chồng tôi la mắng ngay tại chỗ và càng ngày vì sự vô lý của ông mà họ không thể nào chịu được nữa, cuối cùng phải lựa chọn nghỉ việc.

Ảnh minh hoạ

Khi hiểu rõ hoàn cảnh, tôi vừa bực nhưng cũng vừa thương. Hy vọng tôi sẽ có cuộc trò chuyện hoà hợp với bố chồng, và ông sẽ tôn trọng quan điểm nuôi dạy con của vợ chồng tôi. Vì tôi nghĩ suy cho cùng, con cái cũng là bố mẹ sinh ra và dĩ nhiên bố mẹ có quyền quyết định tất cả mọi thứ liên quan đến đứa trẻ, chứ không phải là bất kỳ một ai khác…

Tâm sự từ độc giả bichkha…@gmail.com 

Việc ông bà cưng chiều con cháu là một vấn đề phổ biến trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, khi sự nuông chiều này trở nên quá mức, nó có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.

Một trong những vấn đề lớn nhất là sự thiếu nhất quán trong cách nuôi dạy. Khi ông bà áp dụng những phương pháp khác biệt so với bố mẹ, trẻ em dễ rơi vào tình trạng bối rối và không biết nên nghe theo ai. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ thiếu kỷ luật, không nhận thức được ranh giới giữa đúng và sai. Trẻ sẽ học được rằng chỉ cần thể hiện sự đáng yêu hoặc khóc lóc là có thể được thỏa mãn ngay lập tức, từ đó hình thành thói quen đòi hỏi mà không biết đến sự kiên nhẫn hay giá trị của nỗ lực.

Ngoài ra, sự cưng chiều quá mức từ ông bà có thể khiến trẻ trở nên phụ thuộc và thiếu tự tin. Khi mọi thứ đều được đáp ứng một cách dễ dàng, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc đối mặt với thử thách và thất bại. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển các kỹ năng sống cần thiết, từ giải quyết vấn đề đến giao tiếp xã hội.

Hơn nữa, sự mâu thuẫn trong cách nuôi dạy giữa ông bà và bố mẹ có thể tạo ra căng thẳng trong gia đình. Các bậc phụ huynh có thể cảm thấy bị thách thức và không được tôn trọng khi sự dạy dỗ của họ không được hỗ trợ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bố mẹ và ông bà, mà còn có thể tạo ra một môi trường không ổn định cho trẻ.

Để tránh những tác hại này, việc thiết lập một phương pháp nuôi dạy nhất quán giữa ông bà và bố mẹ là rất quan trọng. Sự hợp tác và giao tiếp mở giữa các thế hệ không chỉ giúp tạo ra một môi trường nuôi dưỡng tốt cho trẻ mà còn củng cố tình cảm gia đình, tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Trang Tri/ PNPL