Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thuế quan của Mỹ đẩy thị trường toàn cầu biến động khó lường

Nhiều nhà đầu tư đã lường trước những biến động trong năm nay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền tại nền kinh tế và thị trường tài chính lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ít người có thể ngờ rằng thị trường toàn cầu lại diễn biến kịch tính như vậy.

Chú thích ảnh

Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Sóng ngầm lộ diện

Nhìn bề ngoài, thị trường chứng khoán toàn cầu gần như không thay đổi so với hồi đầu năm, trong khi chỉ số biến động VIX vẫn cách xa mức đỉnh từng ghi nhận trong đại dịch hay khủng hoảng tài chính. Nhưng nếu quan sát kỹ, những biến động mạnh mẽ đang thực sự lộ rõ. Giá vàng - thiên đường trú ẩn an toàn - đã có quý tăng tốt nhất kể từ năm 1986 do căng thẳng thương mại từ các chính sách của Tổng thống Trump. Trong khi đó, đồng USD đang trải qua khởi đầu tồi tệ nhất trong năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Một thay đổi gây sốc là sự lao dốc của nhóm "Magnificent Seven" - bảy “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ. Từng là "con gà đẻ trứng vàng" cho giới đầu tư trong nhiều năm, nhưng giờ đây, nhóm công ty này (gồm  Alphabet, Amazon, Apple, Meta Platforms, Microsoft, NVIDIA và Tesla) đã bốc hơi gần 2.000 tỷ USD, trong khi các đối thủ Trung Quốc và các công ty quốc phòng châu Âu lại đang bứt phá.

Theo ông Nicolas Forest, Giám đốc đầu tư của quỹ đa tài sản Candriam, sự thay đổi hướng đi của thị trường là điều đáng kinh ngạc. Ông nhận định: "Cơn sốt Trump đã hoàn toàn đảo ngược”.

Hồi tháng 1/2025, rủi ro lớn nhất là chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump có thể đẩy lạm phát lên cao và cản trở việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nhưng giờ đây, mối đe dọa lớn nhất lại là nguy cơ suy thoái kinh tế.

Điều này đã khiến thị trường trái phiếu trị giá 140.000 tỷ USD của Mỹ xoay chiều mạnh mẽ. Trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều khả năng khép lại quý I/2025 với mức lợi suất 2,7%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng lúc đó, kế hoạch nới lỏng trần nợ để tăng chi tiêu quốc phòng của Đức - do Mỹ thu hẹp hỗ trợ quân sự - đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức tăng hơn 0,40 điểm phần trăm, đánh dấu mức biến động lớn nhất kể từ năm 2023. Đây cũng là lần đầu tiên lợi suất Bund của Đức di chuyển ngược chiều với trái phiếu Mỹ kể từ năm 2021.

Tại Nhật Bản, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm đã vọt lên mức cao nhất kể từ 2008, do kỳ vọng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục nâng lãi suất. Với mức gần 1,6%, lợi suất này đã tăng gần 0,50 điểm phần trăm, đánh dấu quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2003.

Việc đồng USD giảm 4% đã tạo điều kiện để các đồng tiền của thị trường mới nổi tỏa sáng. Mối quan hệ "hợp tác" giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giúp đồng ruble tăng vọt 35%, dù vẫn bị hạn chế trong nhiều nền kinh tế lớn do lệnh trừng phạt. Đồng zloty của Ba Lan và đồng crown của CH Séc cũng hưởng lợi nếu xung đột Ukraine kết thúc, với mức tăng hơn 5%. Đồng peso Mexico và đô la Canada cũng đi lên, bất chấp các rào cản thương mại.

Chuyên gia Michael Metcalfe từ State Street Global Markets nhận định: “Quan điểm về đồng USD đã thay đổi rất nhanh trong năm nay. Hầu như mọi dự báo đầu năm đều đã bị đảo ngược".

Trong nhóm các đồng tiền có diễn biến yếu kém nhất, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất gần 7%, chủ yếu do cuộc khủng hoảng chính trị khi đối thủ lớn nhất của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bị bắt giữ. Đồng rupiah của Indonesia cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998, do lo ngại về tình hình tài chính của Jakarta và sự trở lại của ảnh hưởng quân sự.

Đồng bitcoin vẫn biến động mạnh. Đồng tiền này tăng gần 20% khi ông Trump nhậm chức, nhưng sau đó lao dốc 30% khi kế hoạch về một hệ thống tiền điện tử dự trữ của Mỹ không gây được ấn tượng.

Giá dầu biến động mạnh kể từ đầu năm nay do những lo ngại về cung - cầu, cùng với tình hình chiến sự tại Trung Đông. Các lệnh ngừng bắn giữa Israel với Hamas và Hezbollah đang bị đe dọa, tạo thêm áp lực lên thị trường.

Giá vàng đã tăng 17%, trong khi giá đồng nhảy vọt 11%, bất chấp lo ngại về nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những người nghiện cà phê có thể phải lo lắng khi giá cà phê Arabica đã tăng 18% so với đầu năm và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do hạn hán nghiêm trọng.

Triển vọng quý II: Rủi ro suy thoái hay phục hồi?

Quý II/2025 dự báo sẽ không dễ dàng hơn đối với thị trường toàn cầu. Ông Trump chuẩn bị công bố kế hoạch thuế quan đối ứng mà ông gọi là "Ngày Giải phóng" vào ngày 2/4 tới. Với các nhà đầu tư, câu hỏi lớn nhất là liệu kế hoạch này có đẩy nền kinh tế vào suy thoái hay không.

Ông Neil Robson, Trưởng bộ phận cổ phiếu toàn cầu tại Columbia Threadneedle, cho biết các dự báo cho thấy kế hoạch của ông Trump có thể khiến thuế quan trung bình toàn cầu tăng từ 2,5% lên 10% – hoặc thậm chí cao hơn.

Nếu điều này xảy ra, thế giới có thể đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Vậy dự báo cho quý II là gì? Ông Robson kết luận: "Chúng ta có thể chứng kiến làn sóng bán tháo lớn, hoặc một đợt phục hồi mạnh mẽ".

Minh Trang/TTXVN (Theo Reuters)