Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tín dụng cho SME: Cả 2 cùng chuyển động mới vượt qua rào cản

Bài toán khó tiếp cận vốn tín dụng của khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp SME cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ. Nhưng lời giải không thể chỉ trông chờ vào phía ngân hàng, bởi “một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”.

TTCK 'nghèo nàn', doanh nghiệp vẫn dựa vào tín dụng

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang nghèo nàn cả về hàng hóa lẫn chất lượng, dẫn đến việc các doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào dòng vốn tín dụng. Phần lớn thị trường chứng khoán vẫn mang tính biểu tượng nhiều hơn là kênh huy động vốn hiệu quả. Việc doanh nghiệp gọi vốn trên sàn còn khá hạn chế, vì vậy, chúng ta không nên nuôi ảo tưởng rằng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn có thể trở thành ‘phao cứu sinh’ cho nguồn vốn của doanh nghiệp”, ông nói.

"Ngay cả những doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn cũng vẫn phải dựa vào nguồn vốn từ ngân hàng", ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam cho biết: “Với quy mô thị trường vốn như hiện nay, các doanh nghiệp chỉ biết đi vay ngân hàng hoặc sử dụng thị trường phi tài chính khác. Ngân hàng vẫn là nguồn cung ứng vốn vô cùng quan trọng đối với bất kỳ loại doanh nghiệp nào, từ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cho đến doanh nghiệp vừa và lớn”.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Ông Hùng nhấn mạnh, dù chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, tạo ra hơn 60% việc làm và đóng góp đáng kể vào GDP, các doanh nghiệp SME vẫn đang loay hoay với bài toán huy động vốn.

“Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là rào cản tiếp cận vốn ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc thiếu tài sản đảm bảo, hồ sơ tài chính chưa minh bạch và năng lực quản trị hạn chế. Những yếu tố này khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn: cần vốn để phát triển nhưng lại không thể đáp ứng các tiêu chuẩn tín dụng khắt khe của ngân hàng', ông Hùng nhận định.

Toàn cảnh hội thảo.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng thương mại có xu hướng ưu tiên cho vay các doanh nghiệp lớn. Điều này không khó hiểu, bởi các ngân hàng cũng chịu áp lực nặng nề về doanh thu và lợi nhuận.

“Ngân hàng thương mại, xét cho cùng, cũng là doanh nghiệp, và để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, họ buộc phải lựa chọn khách hàng có hồ sơ minh bạch, tài sản đảm bảo đầy đủ. Đây là cách các nhà băng cân bằng giữa tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát rủi ro. Việc giữ vững tính chủ động trong kinh doanh trên nền tảng hiệu quả và an toàn là yếu tố sống còn, đặc biệt sau những biến động từ thị trường trong thời gian qua”, ông Thân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ở góc độ ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, từ năm 2017, khi có Nghị quyết 10 và các chủ trương chính sách của các cấp lãnh đạo, xác định kinh tế tư nhân là động lực rất lớn của nền kinh tế. Ngành ngân hàng đã có hàng trăm tổ chức tín dụng hỗ trợ vốn cho kinh tế tư nhân với dư nợ gần 7 triệu tỷ đồng trong tổng dư nợ của toàn nền kinh tế 15,8 triệu tỷ đồng (chiếm gần 44%).

Chỉ riêng trong năm 2024, doanh số cho vay đạt khoảng 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ khoảng gần 21 triệu tỷ đồng. “Với lượng vốn chiếm 44% tổng dư nợ thì doanh số cho vay với kinh tế tư nhân là rất lớn”, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng những năm qua đã nỗ lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp với hàng loạt chính sách hỗ trợ như cắt giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các nguồn vốn tín dụng cho từng phân khúc khách hàng,… Chưa kể, chính sách về quy định, điều kiện tiếp cận vốn của các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước đều giống nhau, hoàn toàn không có sự phân biệt, ông Tú nói.

Không chỉ trông chờ vào mỗi ngân hàng

Thực tế, bài toán khó tiếp cận vốn tín dụng của khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp SME, cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra, lời giải không thể chỉ trông chờ vào phía ngân hàng, bởi “một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”.

Theo đó, phía doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực nội tại. Điều này đòi hỏi họ phải minh bạch hóa tài chính, củng cố năng lực quản trị, và xây dựng uy tín tín dụng để đáp ứng các tiêu chuẩn cấp vốn ngày càng khắt khe. Chỉ khi cả hai phía cùng "chuyển động", dòng vốn mới có thể chảy thông suốt, giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản và phát triển bền vững.

Chủ tịch Hãng kiểm toán ASCO Nguyễn Thanh Khiết nhận định, để giải quyết được bài toán về vốn cho các doanh nghiệp, cần triển khai các giải pháp đồng bộ từ phía ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

“Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính và minh bạch thông tin bằng cách xây dựng, cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, áp dụng công nghệ và AI trong kế toán và quản lý tài chính, các lĩnh vực tác nghiệp khác. Doanh nghiệp SME cần xây dựng báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán độc lập để tạo niềm tin với ngân hàng, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh đồng bộ với các kế hoạch tác nghiệp khác và phương án sử dụng vốn hiệu quả để thuyết phục ngân hàng”, ông khuyến nghị.

Các ngân hàng cũng nên thiết kế các sản phẩm tài chính chuyên biệt như khoản vay tín chấp dựa trên dòng tiền kinh doanh, khoản vay theo hợp đồng đầu ra hoặc khoản vay dựa trên tài sản hình thành từ vốn vay. Ngoài ra, ngân hàng cũng cần phát triển thêm nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam gợi mở, các ngân hàng nên gói vay riêng dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Hiện nay chúng ta vẫn chưa có gói vay riêng dành cho doanh nghiệp này. Doanh nghiệp muốn phát triển khoa học - công nghệ phải mất ít nhất 10 năm, nếu có sự hỗ trợ thì thời gian này sẽ được rút ngắn đáng kể. NHNN cần đề xuất với Chính phủ về một gói vay với mức lãi suất ưu đãi tốt nhất có thể, thậm chí có thể là cho vay với mức lãi suất 0%”, ông nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thừa nhận, cơ chế gói vay dành riêng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là câu chuyện cần đặt ra lúc này.

“Không chỉ các doanh nghiệp mà bản thân các ngân hàng cũng nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Trong thời buổi hiện nay, nếu doanh nghiệp nào đi chậm trong cuộc đua này thì sẽ thất bại. Và để đổi mới sáng tạo thì cần phải có nguồn lực, chính vì thế, các ngân hàng thương mại cần quyết liệt hơn, xung phong vào lĩnh vực này, và nên xem đây là một lợi thế cạnh tranh.

TS Lê Xuân Nghĩa gợi mở câu chuyện thành công của Mỹ trong phát triển doanh nghiệp nhỏ.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa lại gợi mở một góc nhìn thú vị từ câu chuyện thành công của nước Mỹ trong việc phát triển doanh nghiệp nhỏ.

Ông cho biết, tại Mỹ, thay vì có Bộ Công nghiệp hay Bộ Doanh nghiệp lớn, họ đã thành lập hẳn một Bộ Doanh nghiệp nhỏ để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp này – lực lượng nắm giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Thực tế, tại Mỹ, có tới 23 triệu doanh nghiệp nhỏ, đóng góp một nửa GDP và tạo ra một nửa số việc làm cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của các doanh nghiệp SME và cũng là lý do Mỹ dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực kinh tế này.

Từ câu chuyện của Mỹ, TS. Nghĩa cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc xây dựng một cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ và chuyên biệt hơn cho các doanh nghiệp SME. Mặc dù Việt Nam đã có Quỹ Bảo lãnh tín dụng dành cho các doanh nghiệp, nhưng quỹ này chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân nằm ở việc quỹ đưa ra những điều kiện bảo lãnh thậm chí còn khắt khe hơn cả các ngân hàng, khiến doanh nghiệp nhỏ – vốn đã khó tiếp cận vốn – lại càng rơi vào thế khó.

Để thúc đẩy sự phát triển của SME, các cơ chế hỗ trợ cần được thiết kế linh hoạt, thực tế và phù hợp hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng, từ đó gia tăng khả năng đóng góp vào nền kinh tế. Nếu không có sự thay đổi mang tính đột phá, những chính sách hỗ trợ trên giấy tờ sẽ khó đi vào cuộc sống và khó tạo ra động lực thực sự cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững, các chuyên gia gợi mở.

Khánh Tú/VNF