Tại sao cựu Tổng thống Donald Trump phải ra hầu tòa?
Ngày 22/4 (giờ Mỹ), cựu Tổng thống Donald Trump chính thức ra hầu tòa. Đây là phiên tòa xét xử vụ án hình sự cáo buộc ông chi tiền bịt miệng sao phim người lớn Stormy Daniels, ém thông tin bất lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg phụ trách điều tra và ông Trump đã bác bỏ cáo buộc. Trước khi phiên tòa bắt đầu, cựu Tổng thống lên án vụ việc là hành động "can thiệp bầu cử" bởi ông đang nỗ lực tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024.
Ông Trump bị truy tố hồi tháng 3/2023. Đến tháng 4/2023, nhà chức trách công bố cáo trạng, liệt kê 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh của cựu Tổng thống Mỹ.
Daniels, tâm điểm trong cáo buộc cho biết cô gặp ông Trump lần đầu tại giải golf từ thiện ở Hồ Tahoe năm 2006. Khi đó, ông là trùm bất động sản 60 tuổi, đã kết hôn với Melania, còn Daniels 27 tuổi. Sao phim người lớn cho biết ông Trump đã mời cô đến phòng ăn tối và mặc pijama khi đón cô.
Sau bữa tiệc, chuyện gì cần đến cũng phải đến. Daniels tuyên bố "đó là lần quan hệ kém ấn tượng nhất" đối với mình. Tuy nhiên, ông Trump phủ nhận mối quan hệ này, cáo buộc Daniels "tống tiền", "lừa đảo".
Đến tháng 7/2007, ông Trump còn hẹn gặp Daniels lần nữa tại khách sạn Beverly Hills ở Los Angeles để bàn về việc cô có thể xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế Celebrity Apprentice do ông sản xuất hay không. Lúc này, ông Trump muốn "vui vẻ" lần nữa nhưng Daniels từ chối. Đến tháng 8/2007, ông Trump gọi thông báo Daniels không thể xuất hiện trong chương trình trên. Từ đó họ không còn liên lạc.
Cho đến năm 2015, khi ông Trump tranh cử tổng thống Mỹ, ông đã lên kế hoạch chi tiền để ém các thông tin tiêu cực liên quan đến mình. Lúc này, ông hợp tác với David Pecker, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty truyền thông American Media Inc. (AMI).
AMI đã hỗ trợ ông Trump chi 130.000 USD cho Daniels, chi 30.000 USD cho nhân viên trực cửa tháp ông Trump (người này tố ông có con ngoài giá thú) và 150.000 USD cho một phụ nữ tuyên bố từng quan hệ với cựu tổng thống.
Ngoài cáo buộc trên, ông Trump còn chịu 3 truy tố hình sự khác bao gồm: vụ truy tố can thiệp bầu cử 2020, vụ kiện ông cất giữ tài liệu mật sau khi rời nhà Trắng và vụ kiện lật ngược kết quả bầu cử bang Georgia năm 2020.
Sẽ ra sao nếu ông Trump bị kết án?
Hiện tại, bên cạnh việc hầu tòa thì ông Trump cũng đang nỗ lực cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay. Việc bị truy tố và ra tòa liên quan đến vụ chi tiền bịt miệng này không ngăn ông tranh cử tổng thống. Về mặt pháp lý, ông Trump vẫn có thể tranh cử ngay cả khi bồi thẩm đoàn kết tội ông.
Về mặt chính trị, việc kiện tụng và phán quyết cuối cùng không làm thay đổi suy nghĩ của những cử tri trung thành với ông Trump. Tuy nhiên, nếu bị kết án, ông Trump vẫn làm mất lòng những cử tri độc lập.
Theo các cuộc thăm dò của truyền thông, ngày càng có nhiều cử tri độc lập tin rằng việc ông Trump chi tiền bịt miệng ngôi sao khiêu dâm Daniels là "tội ác nghiêm trọng", nhiều người cho biết họ sẽ không ủng hộ cựu tổng thống nếu ông bị kết tội.
Ngược lại, nếu ông Trump trắng án, ông sẽ có lợi thế đáng kể trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong năm nay.
Chuẩn bị cho khả năng ông Trump bị bắt giam
Trong khi phiên tòa xét xử ông Trump mới bước sang ngày thứ hai thì Mật vụ Mỹ đã bắt đầu bàn bạc về điều cần làm nếu ông bị tạm giam. Theo các nguồn tin của ABC News, mặc dù thẩm phán chưa ra lệnh tạm giam với ông Trump nhưng mật vụ vẫn đang lên kế hoạch cho tình huống bất ngờ. Tuy nhiên, họ chưa bàn bạc về khả năng ông Trump bị tuyên có tội và kết án tù.
Khi được phỏng vấn, cơ quan này đã dẫn luật liên bang, cho biết Mật vụ Mỹ phải bảo vệ các lãnh đạo chính quyền đương nhiệm, các cựu tổng thống và đệ nhất phu nhân, nguyên thủ quốc gia đang thăm viếng và những cá nhân được Tổng thống Mỹ chỉ định.
Xem thêm: Án Tây-Luật Ta: Vụ án ở trung tâm thương mại, 6 người tử vong
Bảo Linh (Theo CNN, The Hill)