Tôi từng nghĩ, hôn nhân của mình vẫn ổn.
Chúng tôi không cãi vã, vẫn trò chuyện mỗi ngày, vẫn cùng chăm con, cùng chia sẻ trách nhiệm. Có thể không còn quá lãng mạn như thuở đầu, nhưng mọi thứ đều yên bình theo cách mà tôi tưởng là đủ.
Cho đến một tối, tôi đọc được tin nhắn của chồng.
Hôm đó, anh để điện thoại trên bàn bếp khi vào phòng tắm. Tôi đang rửa bát thì nghe một tiếng “ting”. Mắt tôi vô tình lướt qua màn hình: “Mày thấy tần suất 1 tháng thế nào là bình thường? Tao với vợ giờ chắc... tháng 1 lần, thấy cũng kỳ kỳ.”
Ảnh minh họa.
Tôi đứng sững.
Không phải vì anh nói chuyện riêng tư với bạn, cũng không phải vì anh than phiền, mà vì tôi… bừng tỉnh. Tôi không nhớ nổi lần gần gũi vợ chồng gần nhất là khi nào. Chuyện ấy đã từ lúc nào trở thành “khi nào rảnh thì tính”, rồi sau đó là “lâu lâu rồi không nhỉ”, và giờ… đúng là một tháng một lần, như anh viết.
Tôi tưởng như vậy là bình thường. Chúng tôi đã có con, cả hai đều bận, nhiều thứ phải lo, tôi từng tự nhủ vậy.
Nhưng dòng tin nhắn ấy cho tôi biết, chồng tôi không nghĩ vậy. Và điều khiến tôi buồn hơn cả là: Anh không chia sẻ với tôi, mà lại đi hỏi bạn.
Tôi không thể ngừng nghĩ về câu chuyện đó. Tôi tìm hiểu trên mạng, hy vọng mình đang lo quá, nhưng kết quả lại khiến tôi nghẹn lại.
Theo Viện Kinsey (Mỹ), nếu một cặp vợ chồng quan hệ tình dục dưới 10 lần mỗi năm, họ được xem là đang sống trong một “hôn nhân không tình dục” (sexless marriage). Con số này hiện chiếm tới 15–20% các cặp vợ chồng tại Mỹ.
Một nghiên cứu khác trên 20.000 cặp đôi cũng chỉ ra: Việc sống chung hòa thuận nhưng thiếu kết nối thể xác là dấu hiệu của một "dạng lạnh nhạt âm thầm".
Tôi đếm thử. Một năm có 12 tháng, chúng tôi “có” khoảng… 9 lần.
Tôi bỗng thấy nghèn nghẹn. Không giận nhau, không xa cách, nhưng hóa ra… đã không còn chạm vào nhau.
Chúng tôi vẫn quan tâm, vẫn hỏi han: “Anh ăn chưa?”, “Em ngủ có ngon không?”. Nhưng những ánh nhìn đầy ẩn ý, cái chạm nhẹ vô tình, cái ôm có chủ đích đã biến mất từ lúc nào mà tôi không hay.
Tôi từng nghĩ: "Có con rồi, vậy là bình thường", "Vợ chồng lâu năm mà", "Lâu lâu còn hơn không". Nhưng sau dòng tin nhắn ấy, tôi nhận ra chồng tôi thấy thiếu mà không dám nói.
Và tôi cũng nhận ra: Chúng tôi đang sống với nhau như những người đồng đội cùng nuôi con, chứ không còn là hai người yêu nhau như thuở đầu.
Tôi đã làm gì?
Tôi không làm ầm lên, không giận dỗi, không tra hỏi tại sao anh lại nói với bạn mà không nói với tôi. Tôi chọn cách im lặng suy nghĩ. Và đến một đêm, khi con đã ngủ, khi cả hai không còn tất bật với nhà cửa, tôi mở lời.
Tôi kể cho anh nghe mình đã cảm thấy thế nào sau khi đọc được tin nhắn ấy.
Chồng tôi im lặng một lúc lâu. Rồi anh thở ra, nhẹ như vừa trút một tảng đá khỏi ngực. Anh nói: “Không phải anh chê em. Anh thương em vất vả. Nhưng có lúc anh thấy… như bạn cùng phòng vậy.”
Chúng tôi không quyết định bắt đầu lại bằng một đêm cuồng nhiệt. Chúng tôi bắt đầu lại… bằng những cái chạm tay, cái ôm ngắn, bằng việc nằm gần nhau hơn, và cả những ánh nhìn lâu hơn 5 giây.
Tôi cũng bắt đầu thay đổi. Tôi không để chuyện ấy là việc cuối cùng trong danh sách, sau khi đã xong hết việc nhà, đã lo xong cho con, đã tắt đèn. Tôi không để nó bị quên lãng, không bị coi là phần thưởng hay phần trách nhiệm.
Tôi chia sẻ câu chuyện này không phải để than vãn, mà vì tôi hiểu: Có rất nhiều cặp đôi cũng như chúng tôi, yên bình nhưng lạnh lẽo, cùng nhà nhưng không còn gần gũi.
Đừng để mọi thứ trôi qua trong im lặng. Đừng nghĩ rằng “ổn” là đủ. Vì đôi khi, điều duy nhất giữ một cuộc hôn nhân khỏi nguội lạnh… chính là một cái chạm tay đúng lúc, và một cuộc trò chuyện thật lòng.