Tăng cường hỗ trợ cho Ukraine
Báo Người Lao Động đưa tin theo Reuters, động thái trên diễn ra đúng lúc ông Donald Trump, người hoài nghi về xung đột Nga - Ukraine, giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024.
Hiện chưa rõ liệu ông Trump có đảo ngược bước đi trên hay không. Ông từng nhiều lần cam kết không mạo hiểm với tính mạng công dân Mỹ vì xung đột Nga-Ukraine.
Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp cho Kiev nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, bao gồm máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống phòng không Patriot.
Tuy nhiên, lệnh cấm nhà thầu quốc phòng Mỹ đến Ukraine đã làm chậm việc sửa chữa, khiến quân đội Ukraine gặp nhiều thách thức. Phần lớn thiết bị đã bị hỏng đến mức các chuyên gia của Kiev không thể sửa chữa, đài RT khẳng định.
Động thái mới của chính quyền Tổng thống Biden sẽ gắn kết Lầu Năm Góc chặt chẽ hơn với Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), vốn đã có nhà thầu ở Ukraine.
Những khí tài hiện đại như F-16 "cần có chuyên môn kỹ thuật cụ thể để bảo trì". Ảnh: DVIDSHUB
"Các nhà thầu Mỹ sẽ giúp Lực lượng Vũ trang Ukraine nhanh chóng sửa chữa và bảo trì thiết bị do Mỹ cung cấp khi cần thiết để chúng có thể nhanh chóng trở lại tiền tuyến" - một quan chức giấu tên khác nói với đài CNN.
Chiến đấu cơ F-16 và hệ thống Patriot "cần có chuyên môn kỹ thuật cụ thể để bảo trì", vị này cho biết thêm.
Thay đổi, nhưng vẫn phải thận trọng
Báo Giao Thông cũng dẫn tin từ CNN, trong hai năm qua, ông Biden luôn duy trì quan điểm, mọi công dân Mỹ, đặc biệt là quân nhân cần tránh xa mặt trận Ukraine.
Nhà Trắng quyết tâm hạn chế tối đa mọi nguy cơ với người dân Mỹ, không muốn các quốc gia, đặc biệt là Nga cho rằng quân đội Mỹ đang tham chiến ở Ukraine. Từ năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công khai cảnh báo công dân Mỹ không nên đến Ukraine.
Chính vì thế, những loại vũ khí, trang thiết bị do Mỹ cung cấp có thể gây sát thương lớn trên chiến trường Ukraine thường phải vận chuyển qua quốc gia thứ 3 như Ba Lan hay Romania hoặc một số thành viên NATO để sửa chữa. Quá trình này vừa tốn kém lại mất nhiều thời gian.
Các binh sĩ Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ quân đội Ukraine về hậu cần và duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, vũ khí.
Song quá trình này phải tiến hành qua trực tuyến hoặc đường dây điện thoại được bảo mật. Cách làm này cũng có những mặt hạn chế nhất định bởi binh sĩ Mỹ và nhà thầu quốc phòng không có điều kiện thao tác trực tiếp với vũ khí, trang thiết bị cần duy tu, bảo dưỡng.
"Bộ Quốc phòng Mỹ ra quyết định này sau khi cân nhắc kỹ lưỡng những rủi ro và có sự điều phối với những đối tác có liên quan. Mỗi nhà thầu, tổ chức hoặc công ty của Mỹ muốn tham gia sẽ phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn và an ninh cho nhân viên cũng như phải có kế hoạch giảm thiểu rủi ro trong hợp đồng đấu thầu", một quan chức quốc phòng Mỹ nói.
Sự thay đổi về chính sách không đồng nghĩa sẽ có lượng lớn nhà thầu quốc phòng Mỹ hiện diện tại Ukraine như từng xảy ra ở Iraq hay Afghanistan.
Thay vì thế, sẽ chỉ có vài chục đến vài trăm nhân viên nhà thầu được làm việc ở Ukraine trong cùng một thời điểm.
"Cần lưu ý đã có khá nhiều công ty Mỹ có nhân sự làm việc trong hợp đồng với Chính phủ Ukraine. Chính vì thế, quyết định mới này sẽ không làm gia tăng đáng kể số lượng công ty Mỹ hoạt động trên đất Ukraine", quan chức quốc phòng nói trên cho biết.
Hiện, vẫn chưa rõ Tổng thống mới đắc cử Donald Trump có tiếp tục duy trì chính sách của người tiền nhiệm khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025 hay không. Ông Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine trong vòng 24 kể từ khi ông quay trở lại nắm quyền.