Những câu chuyện thương tâm
Nhiều công trình, dự án thi công xây dựng ở gần khu vực dân cư chưa hoàn thành đã trở thành hiểm họa khi mà số vụ trẻ em bị đuối nước dẫn đến tử vong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra.
Dư luận bàng hoàng, xót xa khi hay tin một học sinh sinh năm 2008 tử vong chiều 3/7 vừa qua tại công trình hồ điều hoà Nguyệt Đức (địa phận xã Yên Phương, Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Đại diện chính quyền địa phương xác nhận và cho biết, cậu bé đi tắm cùng nhóm bạn, bị đuối nước.
Trao đổi với PV, ông Tạ Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Yên Phương, cho biết: “Các tổ chức chính trị xã hội địa phương đã đến thăm hỏi, cùng gia đình tổ chức tang lễ chu đáo cho cháu bé”.
“Khu vực cháu bé tử vong thuộc dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, từ vốn ODA của tỉnh, nên chỉ nằm trên địa bàn chứ không thuộc quyền quản lý của địa phương. Do công tác phối hợp và cũng để phòng tránh rủi ro nên phía chính quyền đã chủ động cho cắm biển cảnh báo hồ nước sâu ở một số vị trí. Công trình cơ bản hoàn thiện phần hồ chứa nước, còn phía đầu trạm bơm vẫn đang thi công nên chưa được bàn giao và đưa vào sử dụng. Phần nước trong hồ mới có từ đầu năm 2024 đến nay”, ông Chung nói.
Trước đó, trên báo Pháp luật Việt Nam, ông Lý Ngọc Một - Chủ tịch xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc cho hay ngày 2/7, hai học sinh trên địa bàn không may đuối nước dẫn đến tử vong. Vị trí xảy ra sự việc tại công trình thi công thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp hồ Phân Lân Thượng (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo). Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Tam Đảo. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Hải Phong.
Ông Lê Văn Chiến, Trưởng thôn Phân Lân Thượng cho biết, đại diện đơn vị thi công là Công ty TNHH Hải Phong đã đến chia buồn cùng với các gia đình nạn nhân và hỗ trợ mỗi gia đình 20 triệu đồng.
Ngày 30/6, báo Lao động ghi nhận bé trai sinh năm 2011 cùng em gái sinh năm 2013 tại xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ được phát hiện tử vong trong hố nước thuộc công trường xây dựng cách nhà khoảng 100m.
Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán Văn Mạnh Thắng nói với Laodong.vn, hố nước nơi 2 cháu bé tử vong thuộc công trường của dự án Đường Thanh Thủy – Thanh Sơn giai đoạn 2021 – 2025 đang thi công. Dự án do UBND huyện Thanh Sơn làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
Cũng trên Laodong.vn vào ngày 5/6 có đăng, một nam sinh tại phường Vân Phú, thành Phố Việt Trì bị đuối nước dẫn đến tử vong tại khu vực công trường dự án đường 445 tỷ đồng đang thi công trên địa bàn. Vị trí hố nơi xảy ra sự việc sâu khoảng 2,5m, nằm trong khu vực công trường thi công dự án đường giao thông nối từ đường Hùng Vương qua đường Nguyễn Tất Thành, Phù Đổng đến đường Âu Cơ.
Ngày 17/6, VOV.vn đưa tin, cơ quan chức năng thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đang điều tra vụ 2 trẻ em tử vong do đuối nước tại khu vực thi công dự án khu tái định cư thuộc khu 5, phường Hải Yên, thành phố Móng Cái.
Dư luận hẳn chưa quên, tháng 01/2023, tại Đồng Tháp, một cháu bé đi vào khu công trình và bị lọt xuống hố bê tông độ sâu 35m dẫn tới tử vong. Không phải trường hợp đuối nước, nhưng hố bê tông cũng nằm trong một công trình dang dở…
Trách nhiệm pháp lý thế nào?
Trở lại vụ việc vừa xảy ra ở “siêu dự án” tỉnh Vĩnh Phúc, tìm hiểu của PV trên trang mua sắm công, công trình hồ điều hoà Nguyệt Đức thuộc gói thầu CW01A Thi công kênh hút (từ ĐT.303 và hồ điều hoà) và hồ điều hòa trạm bơm Nguyệt Đức do liên danh Công ty Cổ phần xây dựng Minh Anh (0700238978) và Công ty Cổ phần xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương (0800000584) trúng thầu với giá 116.568.544.408 đồng (hơn 116 tỷ đồng).
Gói thầu được ký phê duyệt tại Quyết định số 33/QĐ-VPMO ngày 26/3/2021 bởi Giám đốc Ban quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (VPMO) thời điểm đó. Thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng. Gói này thuộc Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, tài chính cho Dự án là nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và nguồn đối ứng của tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng vốn đầu tư tạm tính là 220 triệu USD (4.815.800 triệu VNĐ), trong đó vốn ODA 150 triệu USD (3.294.077 triệu VNĐ); vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh 70 triệu USD (1.532.723 triệu VNĐ), tổng số 15 gói thầu.
Lịch trình thực hiện dự án nêu rõ: Khởi công giai đoạn I tháng 9/2016; Thời gian hoàn thành tháng 8/2021. Sau đó, Dự án được Thủ tướng Chính phủ gia hạn đến 30/6/2025.
Thông tin về Dự án đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh chụp màn hình ngày 5/7.
Cùng trong Dự án này, Công ty Minh Anh còn liên danh với Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng công trình Thủy lợi thủy điện trúng gói Thi công điều tiết Lạc Ý, điều tiết Vĩnh Sơn, nạo vét sông Phan đoạn từ cửa ra Đầm Vạc đến cống Sáu Vó 2 (CW-05) với giá hơn 92,368 tỷ đồng vào ngày 5/2/2021 tại Quyết định số 15/QĐ-VPMO.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa nhà thầu Minh Anh và bên mời thầu (cũng là chủ đầu tư) Ban quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc còn được thiết lập ở 2 gói thầu khác là VY-CW01 Nạo vét và bảo tồn cảnh quan hồ Đầm Vạc hơn 177 tỷ đồng và VY-CW04: Cung cấp và lắp đặt thiết bị cho nhà máy xử lý nước thải hơn 108 tỷ đồng. Đây cũng là nhà thầu có tỉ lệ trúng nhiều nhất ở Ban với 4/4 gói.
Đáng chú ý, nhà thầu Minh Anh từng bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “bêu tên” do không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ đề ra ở một số gói thầu như: Gói thầu số 27, dự án sửa chữa nâng cấp Hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà; Gói thầu số 07 thi công xây dựng công trình, dự án Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Hội – Xuân Phổ; Gói thầu 07-XL, dự án hồ chứa nước Ia Mơr…
Trên mạng đấu thầu quốc gia ghi nhận, Công ty Cổ phần xây dựng Minh Anh có địa chỉ tại Khu công nghiệp Kiện Khê I, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, Hà Nam; đã tham gia 48 gói thầu, trong đó trúng 30 gói, tổng giá trị trúng thầu: 21.519.191.931.350 đồng; tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập: 19.672.224.486.923 đồng; tổng giá trị các gói thầu đã tham gia và trúng thầu với vai trò liên danh: 1.846.967.444.427 đồng.
Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Sương (Công ty luật FDVN) nhận định, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 114/2018/NĐ-CP khi thi công xây dựng đập, hồ chứa nước thì phải tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều 109 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi năm 2020) cũng quy định rõ, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trường xây dựng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chủ đầu tư tổ chức quản lý…
Bên cạnh đó, Điều 119 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi năm 2020) cũng quy định cụ thể về trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình.
“Như vậy, vấn đề đặt ra trong trường hợp này cần phải làm rõ là tại khu vực thi công công trình, đơn vị thi công đã thực hiện quản lý công trường xây dựng và tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn thi công hay chưa? Chủ đầu tư đã tuân thủ các quy định về tổ chức giám sát hay chưa? Em học sinh chết đuối là do nguyên nhân của việc không đảm bảo an toàn thi công xây dựng hay nguyên nhân nào khác? Từ đó mới xác định được trách nhiệm của đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư và các cá nhân, tổ chức có liên quan khác.
Nếu vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng cá nhân đó, nhằm xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Sương nói.
Vị luật sư phân tích thêm, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Còn đối với cá nhân có chức vụ, quyền hạn nhưng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không thực hiện hoặc không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến hậu quả mất an toàn, gây thiệt hại về người thì có thể sẽ bị xem xét xử lý về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Ngoài ra, tùy vào thiệt hại xảy ra đối với nạn nhân mà cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ phải liên đới trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015””.