Câu chuyện hy hữu xảy ra với ông Trương, một người đàn ông ngoài 60 tuổi, là nhân viên bảo vệ duy nhất tại một xưởng sản xuất nhỏ ở Bắc Kinh. Theo Southern Metropolis News, ông Trương phải làm việc 24 giờ mỗi ngày, không có ngày nghỉ, ngủ tại phòng bảo vệ và gần như không rời khỏi vị trí làm việc.
Vào ngày 6/10/2014, ông Trương hẹn bạn gái đến gặp tại phòng nghỉ ở nhà máy. Trong lúc cả hai đang quan hệ tình dục, ông bất ngờ tử vong. Cảnh sát điều tra xác định đây là cái chết đột ngột, không có dấu hiệu tội phạm.

Một năm sau, con trai ông Trương là anh Trương Hiểu Thạch đã gửi đơn lên Cục Bảo hiểm xã hội thành phố yêu cầu công nhận đây là tai nạn lao động để được hưởng chế độ bồi thường. Tuy nhiên, cơ quan này bác đơn, cho rằng ông Trương tử vong khi đang hẹn hò, không phải trong lúc thực hiện nhiệm vụ công việc.
Không đồng ý với kết luận trên, năm 2016, anh Trương đâm đơn kiện cả xưởng sản xuất và Cục Bảo hiểm xã hội. Trước tòa, anh lập luận rằng cha mình phải túc trực liên tục, không được rời khỏi nhà máy, nên việc hẹn bạn gái tại nơi làm việc là điều hợp lý, thuộc phạm vi sinh hoạt cá nhân trong giờ nghỉ.
“Là một người đàn ông trưởng thành, cha tôi có nhu cầu tình cảm là điều bình thường. Việc duy trì mối quan hệ tình cảm là một phần của việc nghỉ ngơi, không hề rời khỏi vị trí trực,” anh Trương trình bày.
Tòa sơ thẩm chấp nhận lập luận này, phán quyết rằng cái chết của ông Trương xảy ra trong giờ làm việc và ngay tại nơi làm việc, do đó đủ điều kiện được coi là tai nạn lao động theo quy định trong Luật Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp.
Không đồng tình, xưởng sản xuất và cơ quan bảo hiểm kháng cáo. Tuy nhiên, tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên phán quyết. Đến tháng 2/2017, cơ quan bảo hiểm chính thức ra văn bản xác nhận ông Trương tử vong do tai nạn lao động, nhưng không công bố mức bồi thường gia đình được nhận.

Vụ việc bất ngờ trở lại truyền thông vào đầu tháng 5/2025, gây tranh luận dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc.
Luật sư Trần Duệ, hiện công tác tại Trùng Khánh, phân tích trên một nền tảng trực tuyến rằng phán quyết có hai yếu tố then chốt:
Thứ nhất, ông Trương phải làm việc không gián đoạn cả năm, khiến những nhu cầu sinh lý và tình cảm trở thành phần thiết yếu như việc uống nước hay đi vệ sinh.
Thứ hai, ông quan hệ với bạn gái, không phải hành vi mua dâm, nên không vi phạm thuần phong mỹ tục.
“Bản án này nhấn mạnh việc công nhận đầy đủ quyền nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý của người lao động, nhất là trong điều kiện làm việc kéo dài,” luật sư nhận định.
Phán quyết cũng làm dấy lên tranh luận về ranh giới giữa quyền riêng tư tại nơi làm việc và định nghĩa pháp lý của “tai nạn lao động”, đặc biệt trong những ngành nghề yêu cầu trực liên tục, không có chế độ nghỉ rõ ràng.