Rạng sáng ngày 17/12, một vụ nổ đã xảy ra tại tòa nhà chung cư trên đại lộ Ryazansky ở thủ đô Moscow, cách Điện Kremlin khoảng 7km về phía Đông Nam.
Phát ngôn viên Ủy ban Điều tra Nga Svetlana Petrenko cho biết, có hai người thiệt mạng trong vụ nổ, bao gồm Trung tướng Igor Kirillov và trợ lý của ông. Một cuộc điều tra hình sự về vụ việc đang được khẩn trương tiến hành.
"Theo báo cáo ban đầu, một thiết bị nổ điều khiển từ xa đã được gắn trên chiếc xe tay ga ở gần lối vào tòa chung cư. Thiết bị này phát nổ khi ông Kirillov và trợ lý rời khỏi tòa nhà", bà Petrenko nói.
Được biết, Trung tướng Igor Kirillov (54 tuổi) là lãnh đạo Lực lượng Bảo vệ Sinh học, Hóa học và Bức xạ từ năm 2017. Ông là người thường xuyên cung cấp các bằng chứng cho thấy Ukraine đang sử dụng vũ khí hóa học trên tiền tuyến.
Vụ nổ khiến ông Kirillov thiệt mạng xảy ra chỉ 1 ngày sau khi Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cáo buộc ông là nghi phạm trong việc Moscow sử dụng vũ khí hóa học trong chiến dịch quân sự đặc biệt.
Trong 1 diễn biến liên quan, ngày 16/12, phát biểu tại cuộc họp của các quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Nga, ông Putin cáo buộc Mỹ đang tìm cách “làm suy yếu nước Nga, và gây ra thất bại chiến lược” cho Moscow bằng cách tiếp tục “bơm vũ khí và tiền cho chính quyền Kiev, điều lính đánh thuê và cố vấn quân sự, từ đó làm leo thang xung đột hơn nữa”.
Tổng thống Putin nhấn mạnh, Washington đang gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân Mỹ bằng “những chiến thuật đơn giản”. “Họ đẩy chúng ta đến ranh giới đỏ. Khi chúng ta bắt đầu đáp trả, họ lấy đó làm cái cớ để khiến người dân của họ sợ hãi”, ông Putin cho hay Mỹ từng áp dụng cách này trong cuộc cạnh tranh với Liên Xô cũ.
Nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ trích phương Tây nỗ lực áp đặt các quy tắc riêng lên phần còn lại của thế giới, đồng thời tiến hành "những cuộc chiến hỗn hợp" chống lại bất kỳ ai kháng cự bao gồm Nga.
Ông Putin nói thêm, NATO đang tăng chi tiêu quốc phòng, và thành lập "các nhóm tấn công" gần biên giới Nga với việc "số lượng binh sĩ Mỹ ở châu Âu đã vượt quá 100.000 người".
Cũng theo ông, NATO đang tăng cường sự hiện diện không chỉ ở châu Âu, mà còn ở các khu vực chưa từng chứng kiến sự hiện diện quân sự như vậy đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về việc Mỹ có kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa có tầm bắn 5.500km.
Tổng thống Nga nhấn mạnh, mặc dù Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Nga vẫn đơn phương cam kết và tự nguyện không triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn. “Nhưng nếu Mỹ bắt đầu triển khai các hệ thống như vậy, mọi hạn chế tự nguyện của chúng tôi sẽ được dỡ bỏ", ông Putin cảnh báo.