Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Washington, D.C., ngày 28/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Kyiv Independent ngày 12/3, thông tin trên được công bố khi Ukraine và Mỹ bắt đầu tham vấn kỹ thuật về thỏa thuận khoáng sản vào ngày 11/4.
Theo hồ sơ đăng trên cổng thông tin của Bộ Tư pháp Mỹ, Bộ Tư pháp Ukraine đã ký hợp đồng với Hogan Lovells chi nhánh tại Mỹ từ ngày 9/4. Một nguồn tin xác nhận ngày 11/4 rằng chính phủ Ukraine đã thuê hãng luật này. Hogan Lovells là hãng luật Mỹ - Anh có trụ sở tại cả Washington, D.C. và London. Hồ sơ đăng ký không cung cấp thêm chi tiết nào.
Theo phiên bản mới nhất của thỏa thuận khoáng sản do Tổng thống Trump thúc đẩy, Ukraine sẽ trao cho Mỹ quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên của mình thông qua một quỹ đầu tư chung.
Theo mô tả của nguồn tin về cuộc đàm phán ngày 11/4, đây là cuộc trao đổi đối đầu và khó có khả năng đạt đột phá. Người này nói rằng phiên bản đề xuất mới nhất có tham vọng tối đa hóa quyền kiểm soát tài nguyên khoáng sản của Ukraine.
Mặc dù thỏa thuận này sẽ trao cho Mỹ quyền kiểm soát chưa từng có đối với tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, nhưng hiện vẫn chưa có bảo đảm an ninh cụ thể nào được đưa ra.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Times đăng ngày 11/4, Đặc phái viên Mỹ tại Ukraine, ông Keith Kellogg, nói rằng nối lại đàm phán về thỏa thuận khoáng sản cho thấy quan hệ giữa hai nước đang trở lại đúng hướng.
Ông cũng thừa nhận rằng phía Mỹ đã đánh giá thấp độ phức tạp của thỏa thuận này. Ông nói: “Không thể chỉ trả lời đơn giản là đồng ý hay không. Người ta đã không thực sự hiểu quy trình này một cách đầy đủ”.
Về phần mình, phát biểu với báo giới tại Brussels (Bỉ), Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna nhắc lại quan điểm của Kiev rằng bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào sẽ không ảnh hưởng đến các cam kết liên quan đến viện trợ từ Liên minh châu Âu (EU) hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trước đó, ngày 9/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong đàm phán về thỏa thuận khoáng sản giữa nước này và Mỹ, hai bên sẽ tập trung vào các khía cạnh kỹ thuật và nền tảng cho thỏa thuận trong tương lai. Ông Zelensky nhấn mạnh thỏa thuận khoáng sản với Mỹ cần mang lại lợi ích cho cả hai bên và có thể được thiết kế theo cách giúp hiện đại hóa Ukraine.
Hồi tháng 3, truyền thông Ukraine đưa tin dự thảo thỏa thuận khoáng sản mới đề xuất Kiev phải hoàn trả hàng chục tỷ USD viện trợ đã nhận được từ Washington kể từ khi nổ ra xung đột với Nga đầu năm 2022. Trong khi đó, tạp chí The Spectator cho biết theo văn kiện này, các công ty tham gia khai thác khoáng sản chiến lược của Ukraine sẽ bị cấm giao dịch với các bên mua bị Mỹ coi là "đối thủ cạnh tranh chiến lược".