Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vi phạm công bố thông tin, “kỳ lân” công nghệ VNG bị phạt gần 160 triệu đồng

Sau nửa đầu năm 2024 kinh doanh không mấy khả quan, CTCP VNG (UPCoM: VNZ) đã phải nhận quyết định xử phạt hành chính từ UBCKNN với số tiền gần 160 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin.

Bị phạt gần 160 triệu đồng do “ém” thông tin

Ngày 2/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 301/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP VNG (UPCoM: VNZ).

Theo đó, VNG sẽ bị phạt 92,5 triệu đồng do không CBTT trên hệ thống của UBCKNN, trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và của công ty đối với tài liệu: Nghị quyết Hội đồng quản trị số 10/2022/NQ-HĐQT ngày 08/9/2022 thông qua việc thế chấp tài sản của VNG để đảm bảo nghĩa vụ nợ của CTCP Công nghệ Big V (là cổ đông lớn và là bên liên quan).

Bên cạnh đó, VNG cũng CBTT không đúng thời hạn đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán; báo cáo thường niên năm 2023.

32166005013257312482219502084067888901228671n-1672388943398820092125-1722913806.jpg
VI phạm công bố thông tin, VNG bị UBCKNN xử phạt. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, VNG cũng bị phạt 65 triệu đồng do CBTT không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Cụ thể, trong năm 2022 và năm 2023, VNG có phát sinh giao dịch với bên liên quan là CTCP Công nghệ Big V. Doanh nghiệp sử dụng tài khoản tiền gửi sử dụng tài khoản tiền gửi mở tại Citibank - chi nhánh Hà Nội để đảm bảo cho khoản vay CTCP Công nghệ Big V tại Citibank - chi nhánh Singapore.

Tuy nhiên, tại các BCTC năm 2022 và năm 2023 đã kiểm toán, VNG không trình bày đủ giao dịch với bên liên quan này.

Như vậy, tổng số tiền VNG bị UBCKNN xử phạt là 157,5 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Lỗ lũy kế hơn 520 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2024

Về tình hình kinh doanh, theo BCTC hợp nhất quý II/2024, VNG ghi nhận doanh thu thuần 2.054 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng giá vốn hàng bán tăng cao khiến lợi nhuận gộp chỉ thu về 647,1 tỷ đồng, giảm 19%.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn 3 lần lên 84,7 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 54% về 38,6 tỷ đồng, trong đó có 36,2 tỷ đồng lãi vay; phần lỗ trong công ty liên kết cũng giảm mạnh 91%, ghi nhận âm 17,8 tỷ đồng; chi phí quản lý tiết giảm được 20% về 332 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng gần như đi ngang cùng kỳ.

Bên cạnh đó, các khoản chi phí khác giảm 88% về 3,9 tỷ đồng; thu nhập khác tăng 30% lên 6,2 tỷ đồng. VNG ghi nhận phần lãi khác 2,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 26,5 tỷ đồng.

Trừ đi thuế, VNG báo lỗ ròng 488,9 tỷ đồng, giảm lỗ 4% so với kết quả quý II/2023. Đây đã là quý thứ 11 liên tiếp công ty kinh doanh thua lỗ. Lần gần nhất VNG có lãi đã từ quý III/2021.

Giải trình nguyên nhân, đại diện VNG cho biết do công ty tiếp tục thúc đẩy hoạt động quảng cáo các sản phẩm mới và sản phẩm chiến lược nên kết quả kinh doanh quý II/2024 giảm sút so với cùng kỳ.

Lũy kế sau nửa đầu năm 2024, VNG đạt 4.313 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ lũy kế 520,3 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra trong năm, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được 39% mục tiêu doanh thu.

Tính đến cuối tháng 06/2024, tổng tài sản của VNG ở mức 10.162 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với đầu năm. Nổi bật là các khoản phải thu ngắn hạn 1.018 tỷ đồng (chiếm 10%), tài sản cố định 3.153 tỷ đồng (31%) và đầu tư tài chính dài hạn 1.317 tỷ đồng (13%).

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của VNG đã chạm mốc 8.433 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm, chủ yếu do chi phí phải trả ngắn hạn tăng vọt từ 1.385 tỷ đồng lên 2.042 tỷ đồng.

So với vốn chủ sở hữu ở mức 1.728 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) của doanh nghiệp đã là 4,88 lần.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 5/8, giá cổ phiếu VNZ ở mức 518.000 đồng/cp, giảm gần 4% so với cuối tuần trước (kết phiên 2/8).