Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vi phạm quy định đấu thầu có thể đối mặt án tù 20 năm

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Hình sự, cá nhân vi phạm quy định về đấu thầu có thể phải đối mặt với mức án nặng nhất là 20 năm tù.

Theo thạc sĩ luật Nguyễn Thị Hưng (Công ty luật Châu Á), để xác định các hành vi vi phạm trong đấu thầu cũng như mức án mà các cá nhân vi phạm phải đối mặt, đầu tiên cần áp dụng Luật Đấu thầu và Bộ luật Hình sự, tiếp đến là các Nghị định có liên quan.

“Nếu xảy ra hành vi vi phạm trong đấu thầu, tùy theo mức độ sai phạm sẽ có hình thức xử lý, được quy định tại Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP”, thạc sĩ Hưng nói.

Cụ thể, Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu:

1. Cảnh cáo, phạt tiền được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

2. Cấm tham gia hoạt động đấu thầu được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 89 của Luật Đấu thầu và khoản 8 điều 12 của Nghị định này.

3. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu mà cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật về hình sự.

4. Đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Như vậy, có 4 hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu bao gồm:

- Cảnh cáo, phạt tiền.

- Cấm tham gia hoạt động đấu thầu

- Truy cứu trách nhiệm hình sự

- Xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

img-20240823-215437-1724425959.jpg
Thạc sĩ luật Nguyễn Thị Hưng (Công ty luật Châu Á).

Về trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân vi phạm, đại diện Công ty luật Châu Á cho biết: “Căn cứ theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 (được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), mức án nặng nhất đối với người vi phạm là 20 năm tù giam”

Cụ thể, Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 (được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thạc sĩ luật Nguyễn Thị Hưng, giải thích thêm: “Thiệt hại ở đây được hiểu là những thiệt hại thực tế, phát sinh dựa trên hành vi vi phạm đấu thầu, có thể xác định theo Luật Dân sự, Thương mại và các Luật khác tùy từng trường hợp”

Như vậy, khi cá nhân vi phạm quy định đấu thầu, cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật về hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng. Hình phạt cho hành vi này có thể lên đến 20 năm tù giam, ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.