Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vừa ra tù, tiếp tục cướp giật 10 vụ rồi bị bắt

Do lười lao động, Trần Minh Hiếu sử dụng xe máy mua trôi nổi trên thị trường nhằm qua mặt cơ quan chức năng để cướp giật điện thoại của người đi đường lấy tiền tiêu xài.

Vừa chấp hành xong án tù lại đi cướp tài sản

VietNamNet đưa tin, ngày 13/11, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đã tạm giữ hình sự đối với Trần Minh Hiếu (SN 1990, ở huyện Ứng Hòa) về hành vi cướp giật tài sản; Tạ Xuân Hải (SN 1977, ở huyện Ứng Hòa) về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

cuoptaisan-1731558974.jpg
Đối tượng Trần Minh Hiếu áo màu xanh (bên trái), Tạ Xuân Hải áo đen (bên phải) trước cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp.

Báo Tiền phong cho hay, xuất phát từ nguồn tin báo của ông Phan Bá T. (SN 1968, trú tại Khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông) về việc, ông bị cướp chiếc điện thoại iPhone vào khoảng 22h30 ngày 8/11, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) tiếp nhận trình báo của ông Phan Bá T. (SN 1968, trú tại Khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông) về việc ông đang đi bộ thì bất ngờ bị 1 đối tượng là nam giới đi xe máy áp sát, cướp giật chiếc điện thoại iPhone.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Ban Chỉ huy Công an quận Hà Đông đã chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng điều tra, truy vết đối tượng gây án. Khi đang xác minh vụ việc trên, cơ quan công an tiếp tục nhận được trình báo của nạn nhân khác về vụ việc tương tự.

Khi xác định được nghi phạm gây án, 23h ngày 11/11, Công an quận Hà Đông phối hợp với Công an huyện Ứng Hòa áp dụng các biện pháp nghiệp vụ bắt giữ Trần Minh Hiếu (SN 1990, trú tại xã Vạn Thái, huyện Ứng Hoà).

tang-vat-6831-1731559137.jpg
Tang vật được thu giữ. Ảnh: Công an cung cấp.

Hiếu bị bắt giữ tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đây là đối tượng có tiền án về cướp giật tài sản và trộm cắp tài sản vừa chấp hành xong án về địa phương.

Tại cơ quan điều tra, ban đầu Trần Minh Hiếu khai báo quanh co, chối tội. Tuy nhiên, trước các tài liệu, chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được thì đối tượng Hiếu phải thừa nhận hành vi phạm tội.

Mở rộng vụ án, ngay trong đêm cùng ngày, Công an quận Hà Đông bắt giữ tiếp đối tượng Tạ Xuân Hải (SN 1977, trú tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, TP Hà Nội) về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của Hải, cảnh sát thu giữ 11 điện thoại di động iPhone các loại, 1 xe mô tô Honda Wave màu xanh BKS 30Y7 – 5086 của Trần Minh Hiếu là phương tiện thực hiện hành vi cướp giật.

Thủ đoạn cướp giật và tiêu thụ tài sản tinh vi

Theo cơ quan công an, Hiếu là đối tượng trong diện quản lý ở địa phương. Sau khi chấp hành xong hình phạt tù, do lười lao động nên Hiếu nảy sinh ý định điều khiển xe máy đi cướp giật điện thoại của người đi đường lấy tiền tiêu xài.

Báo Lao động cho hay, căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Công an Hà Đông đã ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Minh Hiếu về hành vi Cướp giật tài sản; Tạm giữ hình sự đối với Tạ Xuân Hải về hành vi Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Công an quận Hà Đông đề nghị ai là nạn nhân trong các vụ cướp giật liên quan đến đối tượng Hiếu, liên hệ đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hà Đông trình báo, cung cấp thông tin.

Thông tin từ báo Tiền phong, để che giấu hành vi phạm tội, khi gây án, Hiếu đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm, mặc áo chống nắng… và sử dụng xe máy mua trôi nổi trên thị trường nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.

Sau khi gây án, Hiếu đi lòng vòng trong khu vực nội thành rồi chờ đến đêm về qua cánh đồng xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa để giấu điện thoại mới về nhà. Về phía đối tượng Hải, mặc dù biết số tài sản trên do Hiếu cướp giật được nhưng bản thân vẫn mua.

Từ tháng 10/2024 đến khi bị bắt, đối tượng đã gây ra 10 vụ cướp giật tài sản là điện thoại di động trên địa bàn, tổng giá trị tài sản khoảng 200 triệu đồng.

Theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự thì người người nào cướp giật tài sản của người khác sẽ có thể phải đối diện với một trong các khung hình phạt như sau:

Khung cơ bản: Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

+ Hành hung để tẩu thoát;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

+ Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

+ Làm chết người;

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. 

Điều 323 – Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:

“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

 

Tùy Nghi (t/h)