Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp nhà nước có thể nhận lương 80 triệu đồng
Nghị định 44/2025 về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực từ 15/4. Theo đó, mức lương cơ bản của chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp nhà nước dao động từ 31 đến 80 triệu đồng mỗi tháng.
Chức danh có lương cơ bản cao thứ hai là trưởng ban kiểm soát, với trần 66 triệu đồng và mức sàn 26 triệu một tháng. Với các thành viên khác và kiểm soát viên, lương cơ bản dao động 25 đến 65 triệu đồng mỗi tháng. Hàng năm, doanh nghiệp Nhà nước sẽ căn cứ vào chỉ tiêu sản xuất kinh doanh kế hoạch để xác định mức lương cơ bản và lương kế hoạch của từng thành viên hội đồng, kiểm soát viên.
Dựa trên lương cơ bản, doanh nghiệp xác định mức lương kế hoạch cho các chức danh theo chỉ tiêu và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch. Mức này tối đa bằng hai lần lương cơ bản. Như vậy, lương kế hoạch tối đa cho chức danh chủ tịch hội đồng là 160 triệu đồng, cao hơn khoảng 18% so với quy định cũ (135 triệu đồng). Quy định trước đây ấn định lương cơ bản chung tối đa 36 triệu đồng mỗi tháng và cách tính khác để xác định lương kế hoạch.

Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại
Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất, có hiệu lực từ 1/4.
Theo đó, nhà đầu tư được thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (đất thương mại dịch vụ) không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại. Chính sách này được thí điểm trong 5 năm. Trước đó, nhà đầu tư chỉ được làm dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng với đất ở, theo Luật Nhà ở 2014.
Trường hợp trong khu, thửa đất có phần do cơ quan, tổ chức Nhà nước quản lý nhưng không tách được thành dự án độc lập thì được đưa vào diện tích đất chung để lập dự án và Nhà nước thu hồi, giao cho nhà đầu tư không qua đấu giá, đấu thầu.
Điều kiện để dự án được thí điểm chính sách này là khu, thửa đất phải ở khu vực đô thị, phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Dự án thí điểm cần có tối đa 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất) theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai của quy hoạch tỉnh đến 2030.
UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, cấp phép cho tổ chức kinh doanh bất động sản nhận chuyển quyền sử dụng đất. Cùng với đó, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải đáp ứng điều kiện về đất đai, pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư.
Quy trách nhiệm người đứng đầu nếu ban hành văn bản sai
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/4 quy định trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan ban hành văn bản.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra tình trạng trình hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chậm tiến độ, trái pháp luật; để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ. Ngoài ra, họ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó của mình trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật.
Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, người đứng đầu và công chức để xảy ra hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý trách nhiệm hoặc được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm trách nhiệm theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật.

Trình Trung ương đề án sáp nhập tỉnh trong tháng 4
Hồi tháng 2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành kết luận 127, giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trung ương và cơ quan liên quan chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình Bộ Chính trị về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện; tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Việc sáp nhập tỉnh, ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển giai đoạn mới.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ nhanh chóng báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương trước khi xin ý kiến cấp ủy, tổ chức đảng, chậm nhất ngày 9/3.
Sau đó, Đảng ủy Chính phủ tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoàn thiện đề án gửi xin ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng trung ương, chậm nhất ngày 12/3. Sau khi tiếp thu ý kiến các đơn vị, Đảng ủy Chính phủ hoàn thiện đề án về sáp nhập tỉnh, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước 27/3.
Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan, Đảng ủy Chính phủ hoàn thiện đề án, tờ trình; trình Ban Chấp hành Trung ương (qua Ban Tổ chức Trung ương) trước 7/4.
Dự án metro sẽ được ưu tiên dùng vốn công
Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công 2026-2030 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/4. Trong 5 năm tới, vốn đầu tư công sẽ được tập trung ưu tiên bố trí đẩy nhanh tiến độ, phát huy hiệu quả dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.
Trong đó có dự án đường bộ cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững.
Cùng với đó, chương trình, dự án phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng hạt nhân, nguyên tử, vi mạch bán dẫn; chương trình, nhiệm vụ, dự án quốc phòng, an ninh, tư pháp, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng thuộc danh mục được ưu tiên này.
Thường vụ Quốc hội cũng quy định việc phân bổ vốn cần ưu tiên cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Việc này nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong cả nước.