Theo thông tin từ Sở Giáo dục Seoul được The Korea Times đăng tải, vụ việc xảy ra vào ngày 10/4 tại khu vực Sinjeong-dong. Camera trong lớp học đã ghi lại toàn bộ sự việc, trong đó nam sinh tiến về phía bục giảng với thái độ hung hăng, sau đó có hành động đập mạnh xuống bàn giáo viên và liên tiếp ném đồ vật xuống sàn lớp.
Khi giáo viên yêu cầu rời lớp, nam sinh phớt lờ lời yêu cầu, tiếp tục ném đồ, rồi bất ngờ dùng tay cầm điện thoại đánh vào người giáo viên. Nạn nhân sau đó đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, còn học sinh bị buộc phải rời khỏi trường ngay lập tức.
Một quan chức của Sở Giáo dục Seoul cho biết: “Nhà trường đã yêu cầu Văn phòng Hỗ trợ Giáo dục địa phương cung cấp báo cáo tóm tắt chính thức để làm căn cứ xử lý”.

Hiệu trưởng nhà trường, trong cuộc trao đổi với Yonhap News, khẳng định vụ việc đã được báo cáo ngay với phòng giáo dục quận, và các thủ tục xử lý kỷ luật đang được thực hiện theo quy định của Ủy ban bảo vệ giáo viên địa phương.
Sự việc trên không chỉ gây phẫn nộ trong cộng đồng giáo dục Hàn Quốc, mà còn đặt ra câu hỏi lớn về sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử học đường. Dù hành vi của nam sinh sẽ được xử lý theo quy trình kỷ luật hiện hành, nhưng những hậu quả tâm lý đối với giáo viên – người đang làm nhiệm vụ giảng dạy – là điều không thể đo đếm bằng văn bản hành chính.
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã ghi nhận nhiều vụ việc học sinh bạo hành giáo viên, chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ trong giờ học hoặc từ sự thất bại trong giao tiếp giữa hai bên. Các chuyên gia giáo dục nước này kêu gọi cần có hệ thống bảo vệ giáo viên hiệu quả hơn, bao gồm quy trình xử lý nhanh, rõ ràng và mang tính răn đe đủ mạnh để ngăn chặn các vụ việc tương tự.
Tại Hàn Quốc, Ủy ban bảo vệ giáo viên được thành lập nhằm hỗ trợ xử lý các tình huống xâm phạm đến thân thể hoặc danh dự của giáo viên trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, dư luận cho rằng chỉ các biện pháp hành chính là chưa đủ, mà cần song song với giáo dục đạo đức học đường và trách nhiệm của học sinh trong môi trường tập thể.