Hình ảnh minh họa đồng tiền điện tử bitcoin. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo đó, đồng Bitcoin đã mất khoảng 7% giá trị từ tối ngày 6/4 đến sáng ngày 7/4 theo giờ Singapore, rơi xuống mức thấp nhất là 77.077 USD. Đồng tiền mã hóa lớn thứ hai là Ether cũng lao dốc xuống còn 1.538 USD, mức thấp trong ngày chưa từng thấy kể từ tháng 10/2023.
Đà giảm mạnh của hàng loạt đồng tiền điện tử diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp tục kiên quyết với chính sách áp thuế diện rộng của mình - một động thái đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi hàng nghìn tỷ USD trong vài ngày gần đây. Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh, trong khi đồng Yen của Nhật Bản tăng vọt, cho thấy “sự hoảng loạn” đang lan sâu trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Dữ liệu từ Coinglass cho thấy khoảng 745 triệu USD tiền đặt cược vào vị thế tăng giá tiền điện tử trên thị trường đã bị thanh lý trong vòng 24 giờ qua – con số cao nhất trong gần 6 tuần trở lại đây.
Ông Sean McNulty – Giám đốc sản phẩm phái sinh khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại công ty môi giới tài sản số FalconX – cho biết: "Thị trường quyền chọn cho thấy áp lực bán có thể sẽ tiếp diễn, khi tỷ lệ đặt cược vào quyền chọn bán tăng lên đáng kể". Ông cũng lưu ý rằng các ngưỡng hỗ trợ quan trọng hiện tại cho Bitcoin và Ether lần lượt là 75.000 USD và 1.500 USD.
Trước đó, tài sản kỹ thuật số từng cho thấy sức chống chịu đáng kể trước làn sóng hoảng loạn lan rộng khi ông Trump lần đầu công bố chính sách thuế quan. Điều này từng được cho là sẽ mở ra kỳ vọng rằng thị trường tiền điện tử có thể tách khỏi quỹ đạo vận động của nhóm cổ phiếu công nghệ. Tuy nhiên, đợt bán tháo ngày 7/4 có thể đặt dấu chấm hết cho kỳ vọng đó.
Ông Cosmo Jiang – đối tác tại quỹ đầu tư Pantera Capital – nhận định rằng vào thời điểm hiện tại, yếu tố vĩ mô đang chi phối toàn bộ diễn biến. “Đợt điều chỉnh do thuế quan gây ra là hiện tượng mang tính cá biệt, không bắt nguồn từ các vấn đề sâu xa của nền kinh tế. Cũng như khi nó được thổi phồng một cách nhân tạo, thì nó cũng có thể bị rút lại nếu chính quyền Tổng thống Trump cảm thấy đã đạt được nhượng bộ từ các quốc gia khác”, ông nói thêm.
Tương tự, Luxor Technology, công ty chuyên cung cấp phần mềm và dịch vụ khai thác Bitcoin, hiện đang gấp rút vận chuyển 5.600 thiết bị từ Thái Lan sang Hoa Kỳ.
Bà Lauren Lin, Giám đốc Công nghệ của Luxor, chia sẻ với Bloomberg rằng công ty đang tính đến phương án thuê cả máy bay riêng để kịp đưa thiết bị về Hoa Kỳ. Bởi lẽ chỉ còn chưa đầy 48 giờ nữa, mức thuế 10% sẽ được áp dụng cho tất cả hàng hóa nhập khẩu, trong khi riêng hàng hoá từ Thái Lan có thể bị đánh thuế tới 36% kể từ ngày 9/4.
Trước đây, phần lớn các công ty sản xuất máy đào Bitcoin được nhận định là đều có trụ sở tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Hoa Kỳ áp dụng các lệnh trừng phạt và thuế quan thương mại từ năm 2018, nhiều công ty đã chuyển sang các nước Đông Nam Á như Thái Lan hay Indonesia. Tuy nhiên, với việc Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng mới, các công ty này buộc phải tính đến việc đặt nhà máy ngay tại Hoa Kỳ để tránh né các khoản thuế khổng lồ.