Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hóa đơn, chứng từ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ.

Chính Phủ đã ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ và có hiệu lực kể từ 01/7/2022. Việc áp dụng hóa đơn điện tử sớm vẫn được Chính Phủ, Tổng Cục thuế và các cơ quan thuế địa phương khuyến khích áp dụng sớm để nhận được những lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong gần 3 năm triển khai, Bộ Tài chính cho biết trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Một số quy định về việc áp dụng hóa đơn điện tử của người bán chưa quy định rõ: về thời điểm lập hóa đơn của hàng hóa xuất khẩu, thời điểm lập hóa đơn của một số ngành nghề đặc thù (như ngân hàng, bảo hiểm....); loại hóa đơn dùng cho doanh nghiệp chế xuất khi có hoạt động khác ngoài hoạt động chế xuất hoặc khi bán, thanh lý tài sản chưa được quy định: một số trường hợp hóa đơn điện tử đã lập không phải sai nhưng cần điều chỉnh/thay thế cần có quy định để phân biệt với các trường hợp điều chỉnh/ thay thế hóa đơn lập sai...

thu-tuc-mua-hoa-don-cua-co-quan-thue-2106100337-16033300229721187107978-crop-16033300367181098610413-1721088053.png
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, phát sinh một số vụ án mua bán hóa đơn lớn đòi hỏi ngành thuế cần phải có giải pháp quản lý người nộp thuế ngay từ khâu đăng ký sử dụng hóa đơn và trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử.

Trên thực tế phát sinh một số hành vi, dấu hiệu gian lận từ các vụ án liên quan lập hóa đơn điện tử khống để trốn thuế, do đó, cần bổ sung các trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận liên quan đến sử dụng hóa đơn điện tử.

Phát sinh một số trường hợp cần đưa vào diện cấp hóa đơn từng lần phát sinh để cơ quan thuế giám sát, quản lý.

Ngoài ra, quy định về tra cứu, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử còn bất cập, thực tế có quá nhiều cơ quan có văn bản đề nghị được truy cập vào hệ thống hóa đơn điện tử của ngành thuế nên không đảm bảo bảo mật của hệ thống.

Để phù hợp với Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả và vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế trong quá trình thực hiện thì việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP là cần thiết.

Tháo gỡ khó khăn trong quá trình sử dụng hóa đơn, chứng từ điện tử

Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng hóa đơn, chứng từ điện tử, cải cách thủ tục hành chính.

Qua đó, có giải pháp ngăn ngừa và hạn chế gian lận về sử dụng hóa đơn điện tử. Bổ sung giải pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế gian lận khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn và trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử.

Dự thảo Nghị định quy định theo từng nhóm nội dung liên quan người nộp thuế, cơ quan thuế, các tổ chức, cá nhân có liên quan, cụ thể như sau:

1. Nhóm nội dung liên quan đến người nộp thuế nhằm quy định minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đơn giản hóa thủ tục thực hiện:

Nhóm vấn đề này tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung về: Nguyên tắc lập hóa đơn (Điều 4): Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ (Điều 5); Loại hóa đơn (Điều 8); Thời điểm lập hóa đơn (Điều 9); Nội dung hóa đơn (Điều 10); Áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế (Điều 11); Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (Điều 13); Xử lý hóa đơn đã lập sai (Điều 19).

2. Nhóm nội dung liên quan giải pháp của cơ quan thuế nhằm tăng cường công tác quản lý thuế, chống gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử:

Nhóm nội dung này tập trung sửa đổi: Điều 15 - Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; Điều 16 – Ngừng sử dụng hóa đơn điện tử để bổ sung biện pháp phòng ngừa, hạn chế gian lận ngay từ khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và có giải pháp xử lý đối với hành vi gian lận trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử...


 

Hoàng Thủy (t/h)