Chính phủ Đức đã chấp thuận bán hệ thống pháo tự hành bánh lốp 155 mm RCH 155 mới nhất cho Qatar, và đổi lại quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ sẽ chuyển giao 12 hệ thống pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000) 155 mm của mình cho Ukraine.
Thông tin trên lần đầu tiên được báo Bild của Đức đưa hôm 15/9, cho biết thêm rằng Doha sẽ bàn giao 12 trong số 24 khẩu pháo tự hành bánh xích Panzerhaubitze (Báo hoa mai) – do tập đoàn Krauss-Maffei Wegmann (KMW) và Rheinmetall Landsysteme hợp tác phát triển – đang có trong kho của mình.
Các chú "Báo hoa mai" của Qatar sẽ được tân trang tại Đức trước khi chuyển giao cho Ukraine, với 6 khẩu dự kiến sẽ được giao trước cuối năm nay và số còn lại được giao vào nửa cuối năm 2025. Theo Bộ Quốc phòng Đức, 12 chiếc PzH 2000 của Qatar có giá khoảng 150 triệu Euro.
Việc trao đổi này là một phần của cơ chế đặc biệt gọi là "trao đổi vòng tròn" (ring exchange) trong đó các quốc gia tài trợ chuyển vũ khí từ kho vũ khí hiện có của họ sang Ukraine và đổi lại sẽ nhận được hàng mới hoặc hàng được nâng cấp để thay thế.
Cơ chế này đảm bảo Ukraine nhận được các hệ thống vũ khí quan trọng trong thời gian tương đối nhanh chóng.
Việc chuyển giao các khẩu PzH 2000 từ Qatar sẽ giúp gia tăng đáng kể năng lực pháo binh của Ukraine. "Báo hoa mai" sử dụng đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO, phù hợp với các tính năng tiên tiến của hệ thống, tốc độ bắn cao, nhắm mục tiêu chính xác và khả năng tầm xa.
Đổi lại, việc tiếp nhận hệ thống pháo RCH 155 mm cực kỳ tiên tiến cũng sẽ tăng cường năng lực phòng thủ của Doha. Hệ thống này sử dụng cùng một khẩu pháo 155 mm L52 như PzH 2000 nhưng được lắp trên xe bọc thép bánh lốp Boxer và chỉ cần một kíp lái 2 người trong khi vẫn cung cấp khả năng cơ động và tự động hóa cao hơn so với "Báo hoa mai" trên nền tảng bánh xích. RCH 155 mm có thể bắn đạn dẫn đường chính xác ở khoảng cách trên 40 km (25 dặm).
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Đức mua lại phần cứng của mình từ Qatar. Năm 2023, Berlin đã mua lại một số hệ thống phòng không tự hành Gepard từ Doha để chuyển cho Kiev. Các hệ thống này ban đầu được Qatar mua để đảm bảo an ninh cho World Cup 2022. Việc chuyển giao Gepard khi đó được giữ bí mật tuyệt đối vì không bên nào sẵn sàng công bố giao dịch.
Đáng chú ý, Đức cũng không phải là cường quốc phương Tây duy nhất đang thực hiện các "trao đổi vòng tròn" có lợi cho Ukraine ở Trung Đông.
Trong một cuộc họp báo hồi tháng 3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết chính phủ của ông, cùng với Anh, Italy và Đức đang thảo luận với Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Xê-út về việc trả lại các hệ thống vũ khí phương Tây mà các quốc gia Trung Đông này đã tích lũy trong nhiều năm để chuyển giao cho Ukraine.
Hồi giữa năm ngoái, Mỹ được cho là đã mua lại các hệ thống phòng không Gepard từ Jordan để viện trợ cho Ukraine.
Nhìn chung, việc mua lại vũ khí theo kiểu Liên Xô hoặc hiện đại hơn từ các quốc gia đang sử dụng là cơ chế hiệu quả với lợi thế về mặt chi phí (hàng đã qua sử dụng thì rẻ hơn hàng mới sản xuất) và tốc độ (không cần chờ đợi quá lâu để nhận hàng) để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của các lực lượng Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.