Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hầu tòa phúc thẩm

Phiên tòa được mở do có đơn kháng cáo của nhiều bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
bi-cao-quyet-1735120216113-1735147491.jpeg
Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa sơ thẩm.

Thông tin từ Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, theo kế hoạch, ngày 26/12, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Phiên tòa được mở do có đơn kháng cáo của nhiều bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 3 Thẩm phán, trong đó Thẩm phán Võ Hồng Sơn làm chủ tọa; có 3 Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong nhiều ngày liên tục. Bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC) kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xem xét giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.

Còn hai em gái của bị cáo Trịnh Văn Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga cũng kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét lại phần nội dung bồi thường, khắc phục hậu quả.

Riêng bị cáo Trịnh Văn Quyết có 7 luật sư bào chữa; bị cáo Trịnh Thị Minh Huế có 2 luật sư bào chữa. Có 20 bị cáo khác trong vụ án kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin gỡ bỏ phong tỏa về tài sản hoặc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Báo Công an nhân dân online đưa tin, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 21 năm tù về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”. Cùng bị kết án về hai tội danh trên, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị tuyên phạt 14 năm tù; bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga bị tuyên phạt 8 năm tù. Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định, trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu.

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế là người thực hành tích cực, nhận chỉ đạo từ bị cáo Trịnh Văn Quyết để thực hiện hành vi sai phạm, giúp sức cho Trịnh Văn Quyết thu lợi bất hợp pháp số tiền đặc biệt lớn. Các bị cáo khác trong vụ án được Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2022, bị cáo Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng. Sau đó, các bị cáo đã thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán cổ phiếu, thu lợi bất hợp pháp số tiền hơn 723 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo và nhân viên Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) cùng các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Tiếp đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết tạo lập hồ sơ, đề nghị chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros. Sau khi niêm yết cổ phiếu thành công, Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu Công ty Faros để chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã phân công các bị cáo khác thực hiện nhiệm vụ, thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, cố ý, từ việc mua Công ty Green Belt (tiền thân của Công ty Faros), góp vốn khống, nâng vốn khống đến việc sử dụng sàn HoSE làm phương tiện để bán cổ phiếu rồi chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Những sai phạm trên là đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của hơn 25.800 nhà đầu tư, là bị hại trong vụ án. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán.

Bảo Vy (t/h)