Một hành động cứu người bị hiểu sai tai hại
Ngày 12/7 vừa qua, tại thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), một người phụ nữ bất ngờ ngất xỉu ngay trên đường phố, rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Một nữ bác sĩ có mặt gần đó đã lập tức lao tới, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (CPR) để cấp cứu.
Tuy nhiên, sau một lúc thực hiện, nữ bác sĩ bắt đầu đuối sức và lên tiếng kêu gọi người dân xung quanh hỗ trợ. Đáp lại lời cầu cứu, một người đàn ông họ Phan (42 tuổi), giảng viên y khoa tại một trường đại học trong thành phố, lập tức rời khỏi xe và đề nghị hỗ trợ.
Ông cho biết mình có bằng y học lâm sàng và từng được đào tạo bài bản về kỹ thuật hồi sinh tim phổi. Trong suốt 10 phút sau đó, ông Phan cùng nữ bác sĩ thay phiên nhau ép tim và theo dõi dấu hiệu sinh tồn của người phụ nữ bất tỉnh, trong khi người nhà nạn nhân gọi xe cấp cứu.

Nhờ sự can thiệp kịp thời, người phụ nữ dần có dấu hiệu hồi tỉnh, bắt đầu thở yếu, mạch đập trở lại và được chuyển đi cấp cứu bằng xe cứu thương.
Tưởng chừng hành động nghĩa hiệp ấy sẽ nhận được lời cảm ơn, thế nhưng clip ghi lại khoảnh khắc cấp cứu lan truyền trên mạng xã hội lại đẩy ông Phan vào làn sóng chỉ trích khắc nghiệt.
Một số cư dân mạng cho rằng ông đã “đặt tay sai vị trí” và dùng những lời lẽ đầy ác ý: “Một người đàn ông thì làm sao ép tim cho phụ nữ được?”, “Sao không massage bụng mà lại chạm vào ngực?”, thậm chí có người buông lời gọi ông là “biến thái”.
Quá bất ngờ và đau lòng trước những cáo buộc vô căn cứ, ông Phan chia sẻ: “Tôi cảm thấy sợ hãi. Nếu biết trước bị nói như vậy, tôi đã không dám đứng ra giúp. Thật cay đắng”.
Ông cũng khẳng định bản thân đã đặt tay đúng vào vị trí xương ức theo đúng kỹ thuật CPR: “Nếu tôi làm sai, chắc chắn nhân viên y tế đã lên tiếng. Nhưng đến giờ chưa ai nói gì cả”.
Khi lời cảm ơn bị thay thế bằng phán xét vô cảm
Trái ngược với làn sóng chỉ trích, không ít người chứng kiến tận mắt vụ việc đã lên tiếng bênh vực ông Phan. Một nhân chứng họ Đặng kể lại: “Lúc đó nguy cấp lắm, không ai để ý ông ấy có chạm vào đâu hay không. Nhờ họ mà người phụ nữ mới được cứu sống”.
Cư dân mạng cũng chia làm hai luồng ý kiến. Nhiều người thể hiện sự phẫn nộ trước những bình luận tiêu cực vô lý:
-
“Nếu một ngày nào đó tôi chẳng may ngất xỉu, những người tốt bụng làm ơn đừng ngần ngại, cứ ấn vào chỗ nào cũng được, miễn là cứu được tôi!”
-
“Bệnh nhân không nói gì, đám cư dân mạng các người đến đây làm ầm ĩ lên làm gì?”
-
“Những người có suy nghĩ như vậy, nếu sau này gặp bác sĩ khác giới thì đừng điều trị, chỉ chờ chết thôi!”
Câu chuyện này cũng làm dấy lên hồi chuông cảnh báo toàn cầu. Theo VTC News, một khảo sát tại Anh của dịch vụ cấp cứu St John cho thấy phụ nữ có nguy cơ ít được ép tim và hô hấp nhân tạo hơn vì người đi đường sợ bị cáo buộc quấy rối tình dục nếu chạm vào ngực, hoặc lo ngại làm gãy xương sườn do cơ thể nữ “mỏng manh hơn”.