Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đánh tráo vật chứng trong vụ án sẽ bị xử lý như thế nào?

Độc giả Quốc Trọng (Vũng Tàu) hỏi "Một người quen của tôi đã được giao bảo quản vật chứng trong vụ án với giá trị khá lớn, nhưng đã đánh tráo vật chứng do ham lợi, vậy hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?"

Liên quan đến thắc mắc của bạn đọc Quốc Trọng, LS Nguyễn Thị Sương, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng xin được tư vấn bạn như sau: 

Quy định về vật chứng 

luat-su-nguyen-thi-suongjpg-1713166451.jpg
LS Nguyễn Thị Sương, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng.

Điều 89 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định "Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án".

giu-vat-chung-trong-vu-an-bi-xu-ly-the-nao-1713166424.jpg
 

Theo đó, căn cứ tại Điều 90 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định về bảo quản vật chứng như sau: 

- Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng bảo quản;

- Người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, phá hủy niêm phong, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng của vụ án thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Trong trường hợp thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại lớn sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Do đó, hành vi đánh tráo vật trứng của người bạn do độc giả Quốc Trọng quen biết là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ theo quy định trên có thể sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

   Xem thêm: Chồng mất có phải chia tài sản cho mẹ chồng không?

Hành vi đánh tráo vật chứng bị xử phạt như thế nào?

Khoản 1,3 Điều 385 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài sản như sau: 

"1. Người nào được giao giữ, quản lý tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong, tài khoản bị phong tỏa mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phá hủy niêm phong, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản mà không có quyết định của người có thẩm quyền;

b) Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên.Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm".

Do đó, đối với hành vi đánh tráo vật chứng, người phạm tội có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.