Vàng hóa nền kinh tế là gì?
Vàng hóa nền kinh tế được xem là thuật ngữ phổ biến trong giới kinh tế, đặc biệt ở thời kỳ tài chính và kinh tế có nhiều biến động, rủi ro. Vàng hóa nền kinh tế có thể được hiểu đơn giản là hiện tượng vàng lấn át hoặc thay thế VNĐ, được sử dụng rộng rãi như một loại tiền tệ.
Đây là quá trình mà người dân hoặc các tổ chức chuyển đổi tài sản của mình từ các loại tài sản khác như tiền mặt, chứng khoán, bất động sản sang vàng hoặc các kim loại quý khác như bạc hay platium.
Điều này diễn ra trong những thời điểm không ổn định khi mà người dân mất hết niềm tin vào tiền tệ hoặc các loại tài sản truyền thống khác.
Vàng hóa nền kinh tế gây ra ảnh hưởng gì?
1. Gây ra sự khó đoán, tăng thêm rủi ro
Khi số lượng lớn người dân hoặc tổ chức bắt đầu chuyển đổi tài sản sang vàng, điều này sẽ dẫn đến sự không ổn định trong thị trường tài chính, tạo ra những bước đi khó lường của thị trường. Điều này cũng tăng cường khả năng rủi ro trong hệ thống tài chính.
2. Gây ra thiếu hụt trong vốn đầu tư
Khi mà tiền mặt và tài sản được chuyển đổi sang vàng, sẽ dẫn đến thiếu hụt vốn đầu tư vào những nguồn lực cần thiết cho sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu phát triển.
3. Ảnh hưởng tiêu cực đến các chính sách tiền tệ
Sự tăng lên của vàng hóa nền kinh tế sẽ làm suy yếu chính sách tiền tệ của quốc gia. Khi người dân mất niềm tin vào đồng tiền quốc gia, nền tảng của hệ thống tài chính sẽ bị đe dọa và chính sách tiền tệ cũng trở nên khó thực hiện hơn.
Trên thực tế, vàng trong tiềm thức của người Việt được xem là một tài sản có giá trị ổn định và an toàn. Do đó, việc người dân có thói quen tích trữ vàng trong nhà là điều dễ hiểu. Đáng nói, nhu cầu mua vàng đầu tư tích trữ của người dân càng tăng cao khi trong nước và thế giới diễn ra bất ổn.
Bởi khi khủng hoảng, lạm phát, khủng bố hay chiến tranh, đồng tiền sẽ có nguy cơ mất giá nhưng giá của kim loại quý vẫn luôn đứng vững.
Mỗi khi thị trường vàng có sự biến động, Nhà nước sẽ phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu một lượng lớn vàng để bình ổn thị trường. Tình hình này kéo dài và diễn ra nhiều sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa sản xuất khác. Điều này sẽ vô hình trung tạo nên sức ép đến tiền VNĐ, chưa tính đến việc người dân mua vàng để tích trữ chứ không lưu thông như một dòng tiền giúp phát triển nền kinh tế.
Việt Nam sẽ sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng
Trong nội dung đề cập tại Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 05/4/2024 về phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Khẩn trương rà soát, xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng để tránh tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế.
Trước hết cần làm vàng trở nên "kém hấp dẫn" hơn trong mắt người mua.
Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước tung loạt giải pháp nóng để "hạ nhiệt" giá vàng
Ngân hàng Nhà nước "hiến kế" làm "hạ nhiệt" giá vàng
Mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết đơn vị đã sẵn sàng các phương án can thiệp để bình ổn thị trường vàng.
Cụ thể, sẽ thực hiện tăng cung vàng miếng để xóa bỏ mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng trong nước, thanh và kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp và ngân hàng trong tháng 4.
Đây là khẳng định được đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng chênh lệch quá cao giữa vàng trong nước và thế giới.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuẩn bị sẵn các phương án can thiệp cũng như sẽ tiến hành các công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp và các ngân hàng trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023.
Cụ thể, các giải pháp được đưa ra như sau:
Đối với thị trường vàng miếng, việc thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với thế giới.
Đối với vàng trang sức và mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Trước đó, trong phiên giao dịch hôm nay 12/4, giá vàng miếng SJC và nhẫn trơn đồng loạt thiết lập đỉnh lịch sử. Theo đó, sau khi giá vàng thế giới phá ngưỡng 2.391 USD/ounce đã kéo vàng miếng SJC hôm nay lên mức kỷ lục 85 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn giao dịch ở mức 77 triệu đồng/lượng.
Nếu quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, mỗi lượng vàng nhẫn trong nước hiện đang cao hơn so với giá vàng thế giới từ 5 - 6,5 triệu đồng; Mức chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và thế giới hiện đang ở quanh ngưỡng 13 triệu đồng.