Trước đề xuất điều chỉnh quy định về học thêm, dạy thêm khi cho phép giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có các yêu cầu khác kèm theo nhằm tránh những tiêu cực của hoạt động này đã tồn tại trong suốt thời gian qua.
Trao đổi với Đời sống & Pháp luật, TS. Đặng Văn Sơn – Nghiên cứu viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ, việc ban hành dự thảo khiến cho việc dạy thêm có tính chính thống không còn là "chui" như trước kia.
Chuyên gia cũng khẳng định không thể cấm giáo viên dạy thêm, nhưng việc thầy cô được dạy chính học sinh của mình ở trên lớp lại là điều không hợp lý.
Đưa ra lý giải, ông Đặng Văn Sơn cho rằng cần phải làm rõ mục đích của việc học thêm là gì?
"Nếu cho rằng, học trên lớp chưa đủ cần phải đi học thêm củng cố kiến thức thì không phù hợp. Bởi, nhiệm vụ của giáo viên khi dạy trên lớp phải đảm bảo yêu cầu cần đạt được quy định cụ thể trong Chương trình GDPT 2018.
Cùng với đó, mỗi cơ sở giáo dục cũng đều có yêu cầu đầu ra đối với học sinh. Nếu trong giờ giảng chính khoá, không đáp ứng được các yêu cầu khiến học sinh phải đi học thêm, điều này có nghĩa Chương trình GDPT không triển khai được", ông Sơn bày tỏ.
Nếu mục đích đi học thêm để ôn tập, chuẩn bị cho những kỳ thi chuyển cấp thì việc cho giáo viên dạy thêm học sinh của mình sẽ có nhiều mâu thuẫn lợi ích.
TS. Đặng Văn Sơn đánh giá: "Trong một thời gian dài những câu chuyện "trù dập" học sinh nếu các em không đi học thêm không phải chuyện hiếm gặp. Và vấn đề này sẽ không thể giải quyết nếu toàn bộ các công việc như kiểm tra, đánh giá, ra đề thi, chấm điểm, dạy học đều là một giáo viên đảm nhiệm và thầy cô này lại tổ chức dạy thêm".
Theo chuyên gia, hiện nay một số địa phương đã triển khai thực hiện chung đề kiểm tra định kỳ trên phạm vi huyện/tỉnh. Điều này hạn chế được giáo viên tự dạy, tự ra đề thì có thể tránh được tình trạng trên nhưng nếu không tách biệt được các chức năng thì rất khó.
Cùng với đó, học sinh đi học thêm chính giáo viên trên lớp thì sẽ không học được cái mới, cách làm mới, trong khi mục đích đi học thêm là để nâng cao kiến thức.
"Nếu các em muốn ôn thi, mở rộng kiến thức thì hiển nhiên nên phải được tiếp cận với các thầy cô khác, thậm chí giáo viên trường khác. Như vậy mới đảm bảo được học sinh làm được cái gì đó mới hơn, khác hơn. Điều này, giống như rất nhiều trường đại học trên thế giới, họ không tuyển chính sinh viên của mình sau khi tốt nghiệp làm giảng viên", ông Sơn lý giải.
Điều này, cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các thầy cô, giáo viên nào dạy tốt, có sự ảnh hưởng, phù hợp sẽ thu hút nhiều học sinh hơn.
Tại Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, nhiều Điều, Khoản đề cập đến nội dung "không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm" và "để học sinh có nguyện vọng học thêm tự nguyện đăng ký học thêm".
Tuy nhiên, ở đây ông Sơn cho rằng có lẽ rất khó để thực sự biết được các em có "tự nguyện" đi học thêm hay không nếu giờ đây cô giáo lại có thể dạy chính học sinh của mình.
TS. Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô cũng đồng tình với quan điểm cần có sự tách bạch về chức năng.
Ông Hiệp bày tỏ: "Căn nguyên của việc cấm dạy học sinh của mình là sợ giáo viên sẽ lạm quyền khi dạy trên lớp khi họ vừa là người chấm điểm, vừa là người dạy thêm.
Nhưng với đề xuất mới tôi nghĩ chỉ có thể thực hiện được nếu dạy và thi trong nhà trường thay đổi, giáo viên cần phải bớt quyền hoặc không còn quyền chấm hoặc cho điểm học sinh. Thay vào đó là có mình thức chấm và kiểm tra chéo giữa các thầy cô".
Trong Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm có quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
Cụ thể: Quản lý và bảo đảm chất lượng dạy thêm, học thêm và quyền lợi của học sinh học thêm, người dạy thêm; quản lý, sử dụng tiền học thêm theo quy định.
Quản lý, lưu giữ và xuất trình khi được thanh tra, kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm: danh mục các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; hồ sơ tài chính theo quy định.
Báo cáo, giải trình về việc thực hiện quy định tại Thông tư này và các quy đinh của pháp luật có liên quan với các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.