Lễ nhậm chức Tổng thống Nga của ông Vladimir Putin đã diễn ra trang trọng tại Đại cung điện Kremlin hôm 7/5, và theo sau đó, toàn bộ Nội các Chính phủ Nga đã từ chức.
Theo luật ở Nga, trong vòng 2 tuần sau lễ nhậm chức, Tổng thống phải đệ trình lên Duma Quốc gia (Hạ viện) một ứng cử viên cho chức Thủ tướng.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov không xác định khung thời gian cụ thể mà ông Putin có thể giới thiệu ứng cử viên cho ghế Thủ tướng để Duma Quốc gia xem xét.
“Ông ấy sẽ đưa ra đề cử khi thấy cần thiết. Có thể là bất cứ ngày nào”, ông Peskov nói khi trả lời câu hỏi của một phóng viên báo Life rằng liệu ông Putin có đề cử ứng viên Thủ tướng Nga trước cuối tuần này hay không.
Luật pháp ở Nga quy định trong vòng 2 tuần sau lễ nhậm chức, Tổng thống phải đệ trình lên Duma Quốc gia một ứng cử viên cho chức Thủ tướng. Sau đó các nhà lập pháp sẽ có 1 tuần để xem xét đề cử. Nếu ứng cử viên nhận được sự chấp thuận của các nhà lập pháp, Nguyên thủ Quốc gia sẽ bổ nhiệm người đứng đầu Nội các.
Theo truyền thông địa phương, ông Mikhail Mishustin, người vừa từ chức Thủ tướng Nga, có thể sẽ được tái bổ nhiệm vì ông Mishustin được nhiều người coi là người điều hành chính phủ thành công, dựa trên nền kinh tế đang phát triển của đất nước bất chấp cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra và các biện pháp trừng phạt kinh tế theo sau đó của phương Tây.
Ông Putin, người vừa bắt đầu nhiệm kỳ thứ 5 của mình trên cương vị Tổng thống Nga, cũng sẽ trực tiếp bổ nhiệm các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Tình trạng Khẩn cấp và Bộ trưởng Nội vụ của đất nước với sự tham vấn của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga.
Các ông Sergey Lavrov và Sergey Shoigu được cho là có khả năng vẫn tiếp tục nắm giữ các vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng. Cả hai vị này đều là những quan chức kỳ cựu của Điện Kremlin.
Cũng trong ngày 7/5, Tổng thống Nga đã ký sắc lệnh chỉ đạo chính phủ tiếp tục làm việc cho đến khi thành lập Nội các mới. Văn bản đã được đăng tải trên cổng thông tin pháp luật chính thức, hãng thông tấn nhà nước TASS cho biết.
“Liên quan đến việc Chính phủ Nga từ chức theo Điều 116 Hiến pháp Liên bang Nga, được hướng dẫn bởi phần 5 Điều 117 Hiến pháp Liên bang Nga, tôi ra lệnh cho Chính phủ Liên bang Nga tiếp tục hoạt động cho đến khi thành lập một chính phủ mới”, sắc lệnh của Tổng thống Nga viết.
Theo đó, cựu Thủ tướng, các cấp phó và các Bộ trưởng hiện làm việc với tư cách quyền thành viên Nội các.
Một khi chính phủ mới được thành lập, người đứng đầu và các thành viên của chính phủ tiếp theo sẽ cung cấp những tín hiệu cho thấy đường lối phát triển của nước Nga trong những năm tới.
Một ngày sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ 5, hôm 8/5, Tổng thống Putin đã ký ban hành sắc lệnh yêu cầu Chính phủ Nga đảm bảo sự phát triển kinh tế, xã hội và công nghệ của đất nước trong 7 lĩnh vực chính cho 6-12 năm tới, bao gồm từ nhân khẩu học, khoa học - công nghệ, đến mục tiêu GDP…
Đáng chú ý, ông Putin muốn Nga có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao thứ 4 trên thế giới vào năm 2030 theo sức mua tương đương (PPP). Đến lúc đó, giá trị hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu sẽ chiếm khoảng 17% GDP của Nga.
Xuất khẩu của nước này sẽ chuyển hướng khỏi các sản phẩm năng lượng, trong đó nông nghiệp được coi là động lực quan trọng cho ngoại thương trong tương lai. Cũng theo kế hoạch của người đứng đầu Điện Kremlin, trong 6 năm tới, Nga sẽ nằm trong số 25 quốc gia hàng đầu về sử dụng robot trong sản xuất.