Nhu cầu khí đốt toàn cầu có thể tăng 39% vào năm 2050 lên 5.700 tỷ m3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết trong một bài đăng dành riêng cho tạp chí Energy Policy của Nga – một ấn phẩm chuyên đánh giá các công nghệ hiện có và triển vọng kinh tế của dầu thô và các sản phẩm dầu thô, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin hôm 3/10.
"Do sự chuyển dịch năng lượng sang khí đốt như là lựa chọn khả thi nhất về mặt thương mại để khử carbon và phát triển khí đốt thành hóa chất, nhu cầu về nguồn tài nguyên này có thể tăng lên 5.700 tỷ m3 vào năm 2050 (tức +39% so với năm 2023)", Phó Thủ tướng Novak, vị quan chức phụ trách mảng năng lượng của Nga, cho biết.
Khí đốt hiện chiếm khoảng 26% cán cân năng lượng trên toàn cầu và 46% ở Nga, ông Novak cho hay, đồng thời nói thêm rằng, khí đốt là nguồn năng lượng hydrocarbon triển vọng nhất do tính bền vững, khả dụng và hiệu quả thương mại của nó.
Ông Novak trước đó đã nói rằng nhu cầu về dầu và khí đốt sẽ không đạt đỉnh vào năm 2050, mà vẫn tiếp tục tăng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường khí đốt toàn cầu đang bước vào một giai đoạn mới khi thế giới dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng đã tác động sâu sắc đến cả cung và cầu. Trong bối cảnh hiện nay, bất ổn địa chính trị tiếp tục là yếu tố rủi ro lớn nhất đối với thị trường này.