Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Gần 50% Gen Z thừa nhận “nói dối”, "tô vẽ" kinh nghiệm khi làm hồ sơ xin việc

Một cuộc khảo sát mới từ nền tảng tuyển dụng Career.io đã tiết lộ một thực trạng đáng lo ngại: gần một nửa người thuộc thế hệ Gen Z thừa nhận từng cung cấp thông tin sai lệch trong hồ sơ xin việc nhằm tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Sự “tuyệt vọng” vì thiếu kinh nghiệm khiến người trẻ phải đánh đổi trung thực

Cuộc khảo sát này cho thấy 47% người Gen Z, những người sinh từ cuối thập niên 1990 đến đầu 2010, đã khai không đúng sự thật ở một hoặc nhiều phần trong hồ sơ ứng tuyển, từ kinh nghiệm làm việc, chức danh, đến trách nhiệm công việc. Tỷ lệ này vượt xa 38,5% ở thế hệ millennials, 20,4% ở Gen X, và chỉ 9,4% ở thế hệ baby boomer.

Theo bảng dữ liệu chi tiết được Career.io cung cấp, nhóm Gen Z có xu hướng “nâng cấp” hồ sơ ở ba hạng mục chính:

  • Trách nhiệm công việc (28,38%)

  • Kinh nghiệm làm việc (22,97%)

  • Chức danh từng đảm nhiệm (17,57%)

Tỷ lệ cao cho thấy nhiều người không chỉ chỉnh sửa một mục mà tô vẽ nhiều phần khác nhau trong hồ sơ để tạo cảm giác “đủ năng lực” với vị trí ứng tuyển.

1-1747626983.jpg
Gen Z có xu hướng “nâng cấp” hồ sơ xin việc của mình. (Ảnh minh họa: stock.adobe.com)

Amanda Augustine, chuyên gia huấn luyện nghề nghiệp được chứng nhận (CPCC), nhận định: “Người trẻ, nhất là Gen Z, đang chịu áp lực rất lớn từ thị trường lao động và cảm thấy họ cần 'trông có vẻ phù hợp' trên giấy tờ, kể cả phải nói dối.”

Amanda Augustine chia sẻ rằng nhiều người cô từng tư vấn đều có năng lực thật sự, nhưng do thiếu bằng cấp hoặc kinh nghiệm chính quy, họ cố gắng chỉnh sửa hồ sơ để vượt qua vòng sàng lọc đầu tiên.

“Có những người rất phù hợp với công việc, nhưng họ tin rằng mình sẽ không được gọi phỏng vấn nếu thành thật,” Augustine nói với Fox News Digital. “Điều này tạo ra một xu hướng nói dối mang tính 'tự vệ', đặc biệt phổ biến ở người trẻ mới bước vào thị trường lao động.”

So sánh giữa các thế hệ, khoảng cách lớn nhất xuất hiện giữa Gen Z và millennials (thế hệ Y), đặc biệt ở phần “trách nhiệm công việc” với chênh lệch khoảng 8%. Tỷ lệ khai gian về kinh nghiệm của Gen Z là 22,97%, cao hơn hẳn so với millennials (18,7%), Gen X (9,51%) và baby boomer (3,59%).

Tuy nhiên, Augustine cũng cảnh báo: khi thông tin sai lệch bị phát hiện, hệ quả không chỉ là mất việc mà còn ảnh hưởng lớn đến danh tiếng cá nhân.

Cô nhắc lại những trường hợp nổi tiếng từng bị sa thải vì gian lận lý lịch:

  • Kenneth E. Lonchar, Giám đốc tài chính của Veritas Software, bị mất chức sau khi bị phát hiện làm giả bằng cấp.

  • William Whitman Jr., Phó Chủ tịch truyền thông của Bưu điện Mỹ (USPS), bị sa thải vì cung cấp thông tin sai về học vấn và thành tích làm việc.

2-1747627176.jpg
Augustine cũng cảnh báo: khi thông tin sai lệch bị phát hiện, hệ quả không chỉ là mất việc mà còn ảnh hưởng lớn đến danh tiếng cá nhân. (Ảnh minh họa: stock.adobe.com)

Giải pháp nào cho người trẻ thiếu kinh nghiệm?

Amanda Augustine khuyến khích người trẻ thay vì “bịa ra” kinh nghiệm, hãy tập trung khai thác kỹ năng thực tế và tiềm năng phát triển.

“Hiện nay, nhà tuyển dụng đánh giá rất cao các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề. Đây là những điểm mạnh mà ai cũng có thể rèn luyện,” cô nói.

Augustine cũng khuyên ứng viên nên:

  • Cung cấp ví dụ cụ thể về những tình huống đã áp dụng kỹ năng mềm

  • Tận dụng các khóa học trực tuyến, video hướng dẫn miễn phí để lấp đầy lỗ hổng kỹ năng

  • Thể hiện tinh thần học hỏi, cầu tiến qua cách trình bày hồ sơ và buổi phỏng vấn

Không chỉ cải thiện kỹ năng, Augustine nhấn mạnh: mạng lưới nghề nghiệp (networking) là công cụ không thể thiếu.

“Dù bạn vừa tốt nghiệp hay đã có 30 năm kinh nghiệm, ai cũng có một mạng lưới nhất định: bạn học, thầy cô, đồng nghiệp cũ, người từng được bạn giúp đỡ… Hãy kết nối với họ, đặc biệt trên LinkedIn, và giữ liên hệ tích cực,” cô khuyên.

Theo cô, một hồ sơ trung thực, kỹ năng được chuẩn bị kỹ càng và mối quan hệ nghề nghiệp rộng mở sẽ giúp người trẻ vượt qua rào cản thiếu kinh nghiệm một cách chân chính và bền vững hơn nhiều so với việc nói dối.

Ngọc Bảo (Theo NYPost)