Giovanni Wolfram, 25 tuổi, sống tại Santa Fe (New Mexico), chia sẻ với tạp chí Wired: “Bạn có thể không đẹp, vẫn còn cơ hội. Nhưng một khi bị coi là ‘cringey’ thì gần như mất điểm hoàn toàn.” Theo Wolfram, nhiều người trẻ như anh chọn cách xây dựng hồ sơ hẹn hò đầy mỉa mai, châm biếm, thậm chí vô cảm, để tránh bị đánh giá là quá thật thà hay quá nghiêm túc.
“Tôi vốn đề cao sự chân thành và thẳng thắn trong tình cảm,” anh nói thêm. “Nhưng đôi khi tôi lo mình sẽ giống kiểu người đàn ông ‘quá tha thiết’, ‘quá nghiêm túc’, và điều đó nghe… ngại lắm.”

Tiến sĩ tâm lý Jordan Meisel, người đã làm việc với nhiều bệnh nhân Gen Z, nhận định: “Việc thể hiện đúng bản thân, chứ không phải một phiên bản hào nhoáng mà bạn nghĩ người khác muốn thấy, là điều dễ bị tổn thương nhất. Và khi bạn không bộc lộ con người thật, về cảm xúc, người khác không thể làm tổn thương bạn được".
Với nhiều người trẻ, việc viết rõ mục tiêu hẹn hò của mình đã là điều “xấu hổ”. Anabelle Williams, 25 tuổi, sống tại Brooklyn, cho biết cô từng cảm thấy phản cảm khi thấy ai đó viết rằng họ đang “tìm kiếm mối quan hệ lâu dài”. “Tôi nghĩ họ chẳng tìm tôi, mà chỉ tìm bất kỳ ai sẵn sàng bước vào đời họ,” cô nói.
Erica Dick, 24 tuổi ở Manhattan, thì thừa nhận bản thân đã thấy việc xuất hiện trên ứng dụng hẹn hò là “có chút lố” rồi, và cô thích khi đối phương thừa nhận sự vụng về này thay vì làm ra vẻ.

Trớ trêu thay, trong nỗ lực tránh trở nên “tuyệt vọng” hoặc “thiếu tinh tế”, nhiều Gen Z lại đang tự tay loại bỏ những cơ hội kết nối thật sự.
Thay vì tiếp tục mòn mỏi trên các ứng dụng, một số người trẻ đang tìm những cách độc đáo hơn để tìm bạn đời. Theo nghiên cứu do Smirnoff và YouGov thực hiện vào mùa thu năm ngoái, gần 50% người trẻ độc thân thuộc thế hệ Gen Z muốn gặp gỡ người yêu tiềm năng tại siêu thị, nơi mà họ cho là tự nhiên, không áp lực và dễ bắt chuyện hơn. 78% người được hỏi cho biết họ thích gặp gỡ trực tiếp (IRL – in real life) hơn là qua mạng.
Sarah Lapi, một nhân viên marketing số tại New York, tiết lộ cô thường đến siêu thị Whole Foods ở Tribeca, nơi được mệnh danh là “thiên đường săn bạn trai”. “Tôi thấy dễ dàng bắt chuyện khi cần ai đó giúp lấy món hàng ở kệ cao. Đôi khi chỉ cần một nụ cười thân thiện là đủ để mở đầu,” Lapi chia sẻ với The Post.
Từ việc "né cringe" đến siêu thị săn bạn trai, Gen Z đang tìm kiếm những lối thoát mới khỏi sự cô đơn. Nhưng có lẽ, điều họ cần đối mặt nhất vẫn là nỗi sợ bị tổn thương, vốn có thể chính là rào cản lớn nhất trên hành trình tìm một tình yêu thật lòng.