Theo chuyên gia tư vấn lãnh đạo Tracy Lawrence, Gen Z không muốn nghe đánh giá về những gì họ đã làm từ vài tháng trước. Thay vào đó, họ cần sự phản hồi thường xuyên, cá nhân hóa và mang tính phát triển. Trong bài viết trên Forbes, bà cho rằng việc chờ đợi hàng tháng để được phản hồi khiến người trẻ cảm thấy xa lạ và mất kết nối. Với thế hệ lớn lên cùng phản hồi tức thì trên mạng xã hội, những cuộc đánh giá theo quý hoặc theo năm trở nên thiếu thực tế và không còn phù hợp.
Gen Z, nhóm người sinh từ năm 1997 đến 2012, có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với các thế hệ trước. Trong khi Baby Boomer (sinh từ năm 1946 đến 1964) coi đánh giá cuối năm như bảng điểm tổng kết, và Gen X (sinh từ năm 1965 đến 1980) thường muốn yên thân, thì Gen Z lại thường mong muốn được đồng hành, nhận phản hồi rõ ràng và có định hướng phát triển cụ thể.

Lawrence cảnh báo, nếu các nhà quản lý không điều chỉnh cách tiếp cận, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với tình trạng nhân viên trẻ mất hứng thú, kiệt sức, giảm năng suất và nghỉ việc.
Theo người sáng tạo nội dung Ben Askins, một xu hướng mới đang lan rộng mang tên “revenge quitting”. Đây là hiện tượng người lao động nghỉ việc vào thời điểm gây ảnh hưởng lớn nhất đến doanh nghiệp, như một cách phản đối sự đối xử thiếu công bằng. “Họ cố ý rời đi khi công ty cần họ nhất. Đó là một hình thức phản kháng âm thầm,” Askins giải thích trong một video.
Để tránh tình trạng này, Lawrence khuyến nghị các doanh nghiệp nên thay đổi hoàn toàn cách phản hồi, hướng đến cơ chế phản hồi thời gian thực. Không nhất thiết phải họp mặt liên tục, các nhà quản lý có thể gửi email ngắn mỗi tuần, trao đổi nhanh qua ứng dụng nội bộ hoặc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để theo dõi tiến độ và hỗ trợ nhân viên kịp thời.

Một điểm quan trọng khác là Gen Z rất quan tâm đến ý kiến đồng nghiệp. Việc xây dựng môi trường phản hồi hai chiều, nơi mọi người có thể góp ý lẫn nhau một cách tích cực, sẽ giúp tạo ra văn hóa làm việc gắn kết và trung thực hơn.
“Gen Z xem phát triển nghề nghiệp là một phần mở rộng của sự trưởng thành cá nhân,” Lawrence nhấn mạnh. “Họ cần thấy mối liên hệ giữa kỹ năng mới với mục tiêu sống và sự phát triển bền vững.”
Ngoài ra, các công cụ kỹ thuật số giúp nhân viên theo dõi tiến độ cá nhân, minh bạch hóa lộ trình thăng tiến và giải thích rõ ràng về hệ thống thưởng phạt sẽ tạo thêm động lực dài hạn cho người trẻ.
Trong bối cảnh Gen Z đang chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động mới, việc hiểu họ, lắng nghe họ và phản hồi đúng cách sẽ không chỉ giúp giữ chân người tài, mà còn là yếu tố quyết định để doanh nghiệp xây dựng văn hóa tổ chức tiến bộ và bền vững.