Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Gen Z biến thói quen lướt mạng thành tiền: Cài app, bán dữ liệu, nhận ngay tiền triệu mỗi tháng

Trong khi nhiều người vẫn lo ngại về việc dữ liệu cá nhân bị thu thập và khai thác ngầm, thì thế hệ Gen Z lại đang biến chính điều đó thành một khoản thu nhập. Họ đồng ý để một ứng dụng theo dõi toàn bộ hành vi trực tuyến của mình, từ thói quen lướt web đến sở thích xem phim, để đổi lấy… tiền mặt.

Biến "doomscrolling" thành tiền

Thói quen doomscrolling, chỉ việc lướt mạng liên tục không kiểm soát, nhất là các nội dung tiêu cực, vốn là đặc sản của Gen Z. Theo nghiên cứu của Talker Research, người trẻ thuộc thế hệ này dành trung bình 6,6 tiếng mỗi ngày để tiêu thụ nội dung trực tuyến, thậm chí có người vượt mức 15 tiếng.

Họ cũng sẵn sàng chi tiền cho việc này: trung bình 97,70 USD mỗi tháng (tương đương khoảng 2,4 triệu đồng) cho các nền tảng xem phim, nghe nhạc và ứng dụng đăng ký trả phí.

1-1747906544.jpg
Gen Z biến "doomscrolling" thành tiền. (Ảnh minh họa: stock.adobe.com)

Trước thực tế đó, công ty khảo sát thanh thiếu niên Generation Lab đã ra mắt một nền tảng mới mang tên Verb.AI, một ứng dụng sẽ trả tiền cho người dùng để theo dõi toàn bộ hoạt động kỹ thuật số của họ.

“Trong nhiều năm, các công ty đã âm thầm khai thác dữ liệu của người dùng mà không hề đền bù. Giờ là lúc người dùng phải được trả công công bằng,” Cyrus Beschloss, Giám đốc điều hành của Generation Lab, chia sẻ với Axios.

Với Verb.AI, người dùng chỉ cần cài một ứng dụng theo dõi hành vi, bao gồm những gì họ tìm kiếm, xem, đọc hoặc mua sắm, và ứng dụng sẽ tạo ra một “bản sao kỹ thuật số” để phục vụ nghiên cứu thị trường cho các đối tác như tổ chức chính trị, nhà đầu tư, hay thương hiệu lớn.

“Trong suốt nhiều thập kỷ, khảo sát thị trường giống như bác sĩ hỏi bệnh nhân về triệu chứng. Còn Verb giống như máy chụp cộng hưởng từ (MRI) cho dữ liệu,” đoạn giới thiệu của công ty viết.

Người dùng có thể nhận tối thiểu 50 USD mỗi tháng (tương đương khoảng 1,2 triệu đồng), con số này tăng lên tùy vào mức độ tương tác và lượng dữ liệu thu thập được.

Mở lòng với việc chia sẻ dữ liệu, nhưng vẫn muốn có quyền kiểm soát

Theo thống kê của eMarketer, 88% Gen Z chấp nhận chia sẻ thông tin cá nhân với các nền tảng mạng xã hội, cao hơn khoảng 20 điểm phần trăm so với thế hệ cũ. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa họ sẵn sàng từ bỏ quyền riêng tư.

Báo cáo từ McKinsey năm 2022 cho thấy, Gen Z có xu hướng trả tiền để được bảo vệ dữ liệu hoặc xóa sạch dữ liệu sau khi ngừng sử dụng dịch vụ, điều mà ít người lớn tuổi hơn sẵn sàng làm. Điều này cho thấy, Gen Z không phản đối việc chia sẻ dữ liệu, nhưng họ muốn kiểm soát quá trình đó, thay vì bị theo dõi âm thầm.

Có người còn ví von rằng, bán dữ liệu cá nhân bây giờ giống như bán huyết tương, nhưng thay vì mất máu, chỉ hao pin điện thoại.

2-1747906697.jpg
Có người còn ví von rằng, bán dữ liệu cá nhân bây giờ giống như bán máu, nhưng chỉ hao pin điện thoại. (Ảnh minh họa: stock.adobe.com)

Thế hệ trẻ đang ngày càng nhận thức được giá trị của dữ liệu cá nhân, thứ mà họ từng “vô tình cho không” trong nhiều năm. Việc xuất hiện các nền tảng như Verb.AI cho thấy sự chuyển dịch tư duy: nếu đã bị theo dõi, tại sao không biến Big Data thành thu nhập cá nhân?

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến nghị Gen Z cần thận trọng. Tiến sĩ Natasha Thapar-Olmos, giảng viên tâm lý học tại Đại học Pepperdine, cho rằng vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở việc tiêu thụ quá nhiều nội dung, mà còn là hiểu được lý do phía sau thói quen đó.

“Bước đầu tiên là xác định nguyên nhân khiến bạn lướt mạng không ngừng. Hãy thử ghi chép lại khi nào thói quen này xảy ra, điều gì kích hoạt nó, từ đó mới có thể can thiệp hiệu quả,” bà nói với South West News Service.

Tức là, kiếm tiền từ việc lướt mạng không xấu, nhưng Gen Z cũng nên hiểu rõ mặt trái của việc tiêu thụ nội dung không kiểm soát.

Hiện tại, Verb.AI đặt mục tiêu đạt 5.000 người dùng vào mùa thu năm nay, một con số khiêm tốn, nhưng hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào nhu cầu "kiếm thêm trong lúc vẫn cắm mặt vào điện thoại" của thế hệ này.

Ngọc Bảo (Theo NYPost)