Sự việc xảy ra vào một tối thứ Ba, khi nhóm khoảng mười mấy bạn trẻ, được cho là 18 đến 19 tuổi, đến dùng bữa. Ban đầu, họ cư xử bình thường, không có dấu hiệu bất mãn gì đặc biệt.
Thế nhưng khi kiểm tra hóa đơn sau bữa ăn, nữ phục vụ, người dùng tên Janet, chỉ thấy bốn chữ viết tay thay cho tiền tip: “Wear a life jacket” (Đeo áo phao đi).

Janet kể với tạp chí Newsweek rằng, ban đầu cô còn nghĩ nhóm khách đang đùa vui vì khu vực nơi cô sống vừa trải qua một trận lụt lớn.
“Lúc đầu tôi thấy buồn cười. Cả quản lý cũng nghĩ vậy. Nhưng sau đó bartender nói thật rằng nhóm đó bảo tôi ‘đang chìm trong công việc’, nên mới viết như vậy,” cô kể.
“Tôi cảm thấy như bị đấm thẳng vào ngực. Nếu các bàn khác cũng không hài lòng, nếu quản lý phàn nàn, tôi có thể tự nhìn lại mình. Nhưng hôm đó, tất cả các bàn còn lại đều tip từ 20% trở lên, có bàn còn tip 50 đô cho hóa đơn 170 đô,” Janet nói.
Cô khẳng định mình đã làm việc hết công suất: “Tôi chạy khắp nơi, làm tất cả mọi việc. Tôi đã cố gắng đến kiệt sức!"
Làm phục vụ, không tip là mất thu nhập
Với Janet, và nhiều lao động trong ngành dịch vụ, tiền tip không phải khoản thưởng, mà là thu nhập chính.
“Tôi chỉ nhận được khoảng 100 đô mỗi tuần sau thuế. Phần lớn tiền sinh hoạt là nhờ tip,” cô chia sẻ.
Và điều nhiều người không biết, theo Janet, là dù khách không tip, cô vẫn phải chia lại một phần doanh thu cho bộ phận hỗ trợ, khoảng 2,5% vào ngày thường và 5% vào cuối tuần, tính trên tổng doanh số thẻ tín dụng.

“Tính ra, mỗi đêm tôi phải bỏ ra số tiền tương đương tiền tip của một bàn, dù bàn đó có tip hay không,” cô nói.
Dù bị tổn thương, Janet vẫn cố gắng giữ thái độ tích cực: “Tôi luôn cố mở lòng với từng bàn. Mỗi người đều có câu chuyện riêng khi bước vào nhà hàng. Nhưng tôi ước họ có thể hiểu rằng tôi cũng đang phải vật lộn.”
Câu chuyện được Janet đăng lên Reddit đã nhanh chóng thu hút hàng nghìn bình luận. Một người viết: “Nghe như thể họ chỉ đang tìm lý do để vô lễ. Nếu tôi là họ, tôi sẽ tip nhiều hơn vì thấy cô ấy đang ‘chìm’, đó mới là sự tử tế.”
Một người khác gọi nhóm khách là “những kẻ vô tâm”, viết, “Xin lỗi vì cô đã gặp chuyện như vậy. Họ thật trẻ con.”

“Tipflation” và tranh cãi quanh văn hóa tip
Sự việc của Janet không phải là cá biệt. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, văn hóa tip tại Mỹ đang trở thành chủ đề gây tranh cãi.
Theo một khảo sát vào tháng 2/2024, 76,1% người Mỹ cho rằng văn hóa tip hiện nay đang bị “thổi phồng quá mức”, nhiều người cảm thấy bị “ép” phải tip trong mọi tình huống.
Ngay cả trong ngành dịch vụ, 51% người lao động được hỏi cũng nói họ thà nhận lương cố định thay vì sống nhờ tiền tip, vì hệ thống hiện tại quá bấp bênh.
Tuy nhiên, với những người như Janet, khi tiền tip là chiếc phao sinh tồn duy nhất, thì những tờ hóa đơn không có gì ngoài một câu đùa vô cảm lại chính là giọt nước tràn ly cho sự kiệt sức âm thầm mỗi ngày.