Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Giả câm để nhận trợ cấp, người phụ nữ bị vạch trần "màn kịch" kéo dài suốt 16 năm

Một người phụ nữ tại Tây Ban Nha đã giả vờ bị mất khả năng nói suốt 16 năm để nhận trợ cấp khuyết tật, cho đến khi bị phát hiện nói chuyện bình thường trên phố và trong các lớp Zumba. Sự thật được hé lộ nhờ vào cuộc điều tra âm thầm của một thám tử tư do công ty bảo hiểm thuê, sau khi phát hiện nhiều điểm bất thường trong hồ sơ y tế của bà.

Vụ việc bắt đầu từ năm 2003, khi người phụ nữ này – làm việc tại một siêu thị ở vùng Andalusia – bị một khách hàng tấn công. Sau vụ việc, bà được chẩn đoán mắc hội chứng căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) và mất khả năng nói. Sau khi được Cơ quan An sinh Xã hội Tây Ban Nha xem xét hồ sơ, bà được công nhận là người khuyết tật vĩnh viễn và bắt đầu nhận trợ cấp do công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm chi trả, vì đây là một tai nạn liên quan đến công việc.

Tuy nhiên, đến năm 2019, tức 16 năm sau, công ty bảo hiểm bắt đầu tiến hành rà soát hồ sơ y tế định kỳ và phát hiện rằng từ năm 2009, không có bác sĩ chuyên khoa nào mà người phụ nữ từng khám (bao gồm bác sĩ mắt, bác sĩ chỉnh hình và bác sĩ da liễu) ghi nhận tình trạng mất khả năng nói của bà trong báo cáo. Điều này khiến các chuyên gia nghi ngờ và quyết định cho một nhóm bác sĩ thẩm định lại toàn bộ hồ sơ. Một bác sĩ tâm thần sau đó kết luận có dấu hiệu lừa đảo.

Tuy nhiên, một báo cáo y tế đơn lẻ không đủ để khởi kiện. Công ty bảo hiểm đã thuê một thám tử tư theo dõi người phụ nữ trong vài tuần. Kết quả thu được khiến dư luận sửng sốt: bà vẫn nói chuyện bình thường trên phố, tán gẫu với các phụ huynh trước cổng trường, sử dụng điện thoại không gặp bất kỳ trở ngại nào và thậm chí còn tham gia lớp Zumba.

1-1744690633.jpg
Ảnh minh họa: Unsplash

Để củng cố bằng chứng, thám tử đã tiếp cận trực tiếp bà trên phố, đóng vai người lạ hỏi đường đến trung tâm thương mại địa phương. Không chút nghi ngờ, bà đã trả lời rõ ràng, mạch lạc bằng tiếng Tây Ban Nha – trong khi mọi hành vi đều được ghi âm lại. Với đoạn ghi âm này, công ty bảo hiểm lập tức đệ đơn kiện nhằm chấm dứt nghĩa vụ chi trả trợ cấp khuyết tật.

Tháng 1 năm nay, Tòa án Tối cao Andalusia (TSJA) ra phán quyết có lợi cho công ty bảo hiểm. Tòa xác nhận các bằng chứng được cung cấp, bao gồm cả đoạn ghi âm, là hợp pháp và bác bỏ đơn kháng cáo của bị đơn, trong đó bà lập luận rằng đoạn ghi âm xâm phạm quyền hiến định của mình.

Trong phán quyết, tòa tuyên bố: “Một hành vi mô phỏng tình trạng mất khả năng nói (pseudomutism) đã được xác lập, hoặc ít nhất là sự phục hồi hoàn toàn từ triệu chứng này, với bằng chứng rõ ràng rằng các biểu hiện ức chế đã biến mất”.

Sau phán quyết, một vụ kiện dân sự mới được mở nhằm xác định mức phạt tài chính mà người phụ nữ phải gánh chịu vì đã gian lận để nhận tiền trợ cấp suốt nhiều năm. Công ty bảo hiểm cũng nhiều khả năng sẽ khởi kiện riêng để đòi lại khoản tiền đã chi trả sai trong suốt 16 năm qua.

Hiện chưa rõ số tiền cụ thể mà bà đã nhận, nhưng với thời gian kéo dài gần hai thập kỷ, con số này được ước tính lên tới hàng trăm nghìn euro. Vụ việc đã làm dấy lên làn sóng tranh luận tại Tây Ban Nha về các lỗ hổng trong hệ thống giám sát chi trả trợ cấp xã hội, cũng như vai trò của các cơ quan bảo hiểm trong việc phát hiện và ngăn chặn gian lận.

Trong khi nhiều người bày tỏ bất bình trước hành vi trục lợi kéo dài, một số ý kiến cũng kêu gọi cần tăng cường công tác giám định y tế độc lập và kiểm tra định kỳ để bảo vệ tính minh bạch và công bằng của hệ thống an sinh. Vụ việc này được xem là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với bất kỳ ai có ý định lợi dụng lòng tin của xã hội để trục lợi cá nhân.

Ngọc Bảo (Theo ODD)