Giá dầu thế giới biến động
Trên thị trường thế giới kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu giảm gần 3% sau khi một nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết việc cắt giảm lãi suất có thể bị trì hoãn ít nhất hai tháng nữa.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 2,05 USD, tương đương 2,5%, xuống mức 81,62 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 2,12 USD, tương đương 2,7%, xuống mức 76,49 USD/thùng.
Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 2% và giá dầu WTI giảm hơn 3%. Tuy nhiên, những dấu hiệu về mối lo ngại về cung và cầu nhiên liệu có thể hỗ trợ giá dầu phục hồi trong những ngày tới.
Reuters đưa tin, ngày 22-2, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết các nhà hoạch định chính sách của Fed nên trì hoãn việc cắt giảm lãi suất của Mỹ ít nhất vài tháng nữa. Điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và hạn chế nhu cầu dầu mỏ.
Fed đã giữ lãi suất chính sách ổn định trong khoảng 5,25% đến 5,5% kể từ tháng 7-2023. Biên bản cuộc họp tháng 1 cho thấy hầu hết các ngân hàng trung ương đều lo lắng về việc nới lỏng chính sách quá nhanh.
Tim Snyder, chuyên gia kinh tế tại Matador Economics, nhận xét toàn bộ tổ hợp năng lượng đang phản ứng, bởi vì nếu lạm phát bắt đầu quay trở lại, nó sẽ làm chậm nhu cầu về các sản phẩm năng lượng và “đó không phải là điều mà thị trường muốn hiểu vào lúc này, đặc biệt là khi nó đang cố gắng tìm ra hướng đi”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng nhu cầu vẫn ở mức tốt bất chấp tác động của lãi suất cao, kể cả ở Mỹ.
Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết các chỉ số nhu cầu của JPMorgan đang cho thấy tính đến ngày 21-2, nhu cầu dầu tăng 1,7 triệu thùng/ngày so với tháng trước.
Theo các nhà phân tích, tuần trước mức tăng nhu cầu là 1,6 triệu thùng/ngày. Tuần này, nhu cầu tiếp tục tăng ở Trung Quốc và châu Âu.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza đang diễn ra ở Paris nhằm ngăn chặn cuộc xung đột ở Palestine.
Tim Evans, một nhà phân tích thị trường dầu mỏ độc lập, cho biết các cuộc đàm phán ngừng bắn có thể thúc đẩy dự đoán của thị trường rằng căng thẳng địa chính trị sẽ giảm bớt.
Tuy nhiên, căng thẳng ở Biển Đỏ vẫn tiếp diễn, khi lực lượng Houthi vẫn tiếp tục tấn công các tàu vận tải, buộc các tàu này phải chuyển hướng khỏi tuyến đường thương mại.
Theo Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu, một chỉ báo sớm về sản lượng tương lai, của Mỹ đã tăng 6 giàn lên 503 giàn trong tuần này và tăng 4 giàn trong tháng này.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 16/2, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 3,5 triệu thùng lên 442,9 triệu thùng.
Còn theo số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thương mại của nước này tăng tới 7,17 triệu thùng trong tuần trước. Việc này phản ánh nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu dần khởi sắc và những lo ngại về nguồn cung có thể đẩy giá dầu tăng trong những ngày tới.
Các nhà phân tích của Ngân hàng JPMorgan ngày 23/2 đã công bố kết quả đánh giá cho thấy nhu cầu dầu tính đến ngày 21/2 tăng 1,7 triệu thùng/ngày so với tháng trước, nhờ nhu cầu đi lại tại Trung Quốc và châu Âu tăng lên. Con số này cao hơn so với mức tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong tuần trước đó.
Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị tại Trung Đông vẫn tiếp diễn. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ nguồn cung bị gián đoạn còn hiện hữu. Đây có thể là yếu tố thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trở lại trên thị trường, đẩy giá dầu đi lên trong thời gian tới.
Giá xăng dầu trong nước ngày 24/2/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu ngày 24/2 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 22/2 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm về 22.470 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm xuống mức 23.590 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm còn 20.910 đồng/lít. Giá dầu hoả hạ về mức 20.920 đồng/lít.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước có sự thay đổi như trên do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu trong năm nay sẽ giảm xuống thấp hơn so với dự báo trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chậm cắt giảm lãi suất ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu mỏ, Mỹ nâng giá đồng USD tác động tiêu cực lên giá dầu thế giới, căng thẳng tại khu vực Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, xung đột tại khu vực Biển Đỏ vẫn tiếp diễn ảnh hưởng đến hoạt động vận tải… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến tăng, giảm đan xen nhưng xu thế chung là giảm.
Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut, không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 46 lần điều chỉnh, trong đó có 26 lần tăng, 17 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.