Liên quan đến câu hỏi của độc giả Quỳnh Như, LS Luật sư Nguyễn Thị Sương, Luật sư thành viên công ty Luật FDVN đã trả lời như sau:
1. Quyền được hưởng di sản thừa kế của con
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015, quy định về người hưởng thừa kế theo pháp luật như sau:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại
Như vậy, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp không có di chúc thì con của bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Đối với trường hợp người cha để lại di chúc mà không có tên con bạn thì con bạn vẫn mặc nhiên được hưởng phần di sản bằng 2/3 của người thừa kế theo pháp luật nếu di sản thừa kế theo pháp luật.
2. Thủ tục nhận thừa kế theo pháp luật gồm những gì?
- Yêu cầu xác định cha con tại Tòa án
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 90 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định quyền nhận cha mẹ, thì: Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
Về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha con, đối với trường hợp người cha mất thực hiện ở Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người cha cư trú trước khi mất. Sau khi có bản án, quyết định của Tòa án về việc xác nhận cha cho con.
- Đăng ký thay đổi thông tin hộ tịch của con tại cơ quan hộ tịch của UBND cấp xã nơi đăng ký khai sinh để thay đổi thông tin hộ tịch của con có tên cha.
- Khai nhận về việc di sản thừa kế
Sau khi chứng minh quan hệ huyết thống thì bạn có thể tiến hành cho con bạn làm thủ tục nhận di sản thừa kế.
Xin được tư vấn đến bạn!
Xem thêm: Chồng mất có phải chia tài sản cho mẹ chồng không?