Thời gian qua, Hải Phòng luôn duy trì ổn định tốc độ phát triển kinh tế xã hội ở mức cao, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân luôn đạt trên 11%/năm.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, Hải Phòng tiếp tục đạt mức tăng trưởng GRDP là 9,77%. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước có vai trò không nhỏ, tác động rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Hiện nay, Hải Phòng đang đứng trong top 6 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, với khoảng 1.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với số vốn là 32,2 tỷ đô la Mỹ, 228 dự án đầu tư trong nước với số vốn là 13,7 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến tại các khu công nghiệp và khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
Các dự án điều chỉnh tăng vốn là: Dự án đầu tư mở rộng của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) tại KCN Tràng Duệ, điều chỉnh tăng thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên thành 5,65 tỷ USD; Dự án của nhà đầu tư Heesung, Hàn Quốc tại KCN Tràng Duệ tăng thêm 125 triệu USD, nâng tổng vốn lên thành thành 279 triệu USD; Dự án kinh doanh hạ tầng cơ sở KCN của Tổ hợp KCN DEEP C Hải Phòng, tăng thêm 169 triệu USD, nâng lên thành 286 triệu USD; Dự án của Tập đoàn USI, Đài Loan (Trung Quốc) tại Tổ hợp KCN DEEP C, tăng từ 215 triệu USD thành 290 triệu USD (tăng thêm 75 triệu USD); Dự án của Nhà đầu tư Trung Quốc Moons' Industries tại KCN VSIP, tăng thêm 69 triệu USD, nâng lên thành 87 triệu USD; Dự án Vietnam Advance Film Material (Trung Quốc) tại KCN DEEP C 2A, tăng thêm 60 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên thành 158 triệu USD; Dự án Jeil Logistics 1 (Hàn Quốc) tại KCN Nam Đình Vũ, tăng từ 23,67 triệu USD thành 44,67 triệu USD (tăng 21 triệu USD).
Các dựu án được cấp mới gồm: Dự án giữa của liên danh Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng và nhà đầu tư Công ty Terminal Investment Limited (TIL) và Tập đoàn MSC của Thụy Sỹ với tổng số vốn đầu tư là 156 triệu USD; Dự án của nhà đầu tư Sembcorp Integrated Hub Hai Phong IV (Singapore) tại KCN Nam Đình Vũ với tổng vốn đầu tư là 56 triệu USD với mục tiêu là kinh doanh bất động sản, diện tích 8,4 ha; Dự án của Công ty TNHH Smart Logistics Service với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD tại KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, mục tiêu dự án là dịch vụ logistics và hậu cần sau cảng với diện tích 10.000 m2, doanh thu dự kiến đạt 100 triệu USD/năm; Dự án của nhà đầu tư Hoda Strategic Holdings Private (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư là 10 triệu USD tại KCN Nam Đình Vũ, mục tiêu của dự án là sản xuất phụ kiện đường ống PVC tiêu chuẩn quốc tế với quy mô 10.000 tấn/năm, tạo việc làm cho 50 lao động và Dự án của Công ty cổ phần DAP - Vinachem 626 tỷ đồng với mục tiêu là đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng axit phosphoric và sản xuất phân bón MAP với quy mô 60.000 tấn/năm.
Trong thời gian tới, TP. Hải Phòng tiếp tục tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, nhất là các dự án về bán dẫn và chip điện tử, lựa chọn các nhà đầu tư lớn và có uy tín trên thế giới.
Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tăng cường khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tính hết tháng 10/2024, tổng vốn đầu tư thu hút trực tiếp nước ngoài của TP. Hải Phòng đạt khoảng 3,5 tỷ USD, đạt 140% kế hoạch năm. Dự kiến hết năm 2024, Hải Phòng sẽ thu hút đạt trên 4,5 tỷ USD (bằng 180% kế hoạch năm).
Lũy kế đến nay, Hải Phòng đã thu hút vốn 1.000 dự án đầu tư nước ngoài đạt 32,2 tỷ USD, hiện đang đứng thứ 6 cả nước. Trong đó, lĩnh vực cơ khí, hóa chất, dược chiếm 36%; điện tử (30%); logistics, cơ sở hạ tầng (15%); hóa chất, nhựa, bao bì, dược phẩm (17%).