
Sáng 8/7, Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết chú hổ Bengal trắng mang tên Ngộ Không đã qua đời vì bệnh. Fanpage của Thảo Cầm Viên cũng chia sẻ thông tin tạm biệt "Ngộ Không" vào đúng ngày sinh nhật đầy tiếc nuối sau đúng 10 năm chú hổ trắng này được nuôi dưỡng tại đây.
Hổ Bengal trắng là một trong 3 chú hổ con được sinh ra từ cặp bố mẹ mang gen lặn hiếm, giống hổ thường gặp các vấn đề di truyền do đặc điểm gen đồng hợp tử. Chú hổ này chào đời ngày 8/7/2015, được đặt tên "Ngộ Không" - biểu tượng cho sự tinh nghịch và thân thiện.
Theo đại diện Thảo Cầm Viên, hổ trắng Ngộ Không có dấu hiệu bỏ ăn, sức khỏe suy giảm từ 2 tuần trước.
Các bác sĩ thú y phối hợp chuyên gia và Chi cục Thú y TPHCM đã tổ chức hội chẩn, xác định hổ mắc nhiều bệnh như suy tụy, viêm gan... Ngộ Không được chăm sóc sức khoẻ và có dấu hiệu hồi phục, tươi tỉnh dạo chơi quanh chuồng vài ngày trước. Tuy nhiên, đến hôm qua (7/7), Ngộ Không bất ngờ trở mệt rồi không qua khỏi.
Hổ trắng Bengal tên Ngộ Không đã qua đời sau thời gian điều trị bệnh vào sáng ngày 7/7, đúng một ngày trước sinh nhật lần thứ 10, khép lại hành trình trọn vẹn một thập kỷ tại nơi từng là "ngôi nhà" gắn bó.
Ngộ Không sinh năm 2015, là một trong ba hổ con của lứa sinh sản tại Thảo Cầm Viên. Khác với người em song sinh là Bò Sữa được tách nuôi riêng, Ngộ Không sống cùng mẹ cho đến khi mẹ qua đời. Gắn bó với người chăm sóc - thường gọi là "ba nuôi" - Ngộ Không được rèn luyện thể chất và tương tác với khách tham quan qua các hoạt động như leo trèo lấy thịt, kéo co và "unbox" hộp quà đựng thức ăn.
Sự ra đi của chú hổ để lại nhiều tiếc nuối. Dưới bài đăng của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nhiều bình luận thể hiện tình cảm dành cho Ngộ Không:
"Mới gặp em cách đây không lâu. Bất ngờ quá. Ở hành tinh Hổ không còn mệt nữa em nhé".
"Không được coi ẻm unbox nữa rùi".
"Nhìn những ảnh chụp trong bình luận mới thấy mọi người yêu quý em như thế nào".
Hổ trắng Bengal (Panthera tigris tigris) là kiểu hình của dạng đồng hợp tử gen lặn đột biến ở hổ bố và hổ mẹ. Tức hổ bố lông vàng và hổ mẹ lông vàng sinh con lông vàng hoặc trắng. Hay hổ bố lông trắng và hổ mẹ lông vàng hoặc hổ bố lông vàng hổ mẹ lông trắng sinh con vàng hoặc trắng; hổ bố lông trắng và hổ mẹ lông trắng sinh con trắng.
Để có được hổ con màu trắng không nhất thiết phải cho hổ giao phối cận huyết, mà chỉ cần biết được gen lặn của hổ bố, hổ mẹ có mang đột biến để ghép đôi.
Ở hổ Bengal trắng, người ta ghi nhận các vấn đề về thị giác, thị lực kém, suy yếu miễn dịch, dị tật xương khớp, thận, thần kinh, nhạy cảm với ánh nắng…. gây khó khăn trong việc tồn tại trong tự nhiên cũng như trong môi trường nuôi dưỡng có kiểm soát.