
Theo VnExpress, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vừa mổ nội soi gắp con cá rô đồng trong cổ họng bé ra ngoài. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định.
Trước đó cha của bé bắt cá về bỏ vào thau nước cho con chơi. Khi bé ngậm con cá vào miệng thì bất ngờ cá nhảy vào cổ họng khiến bé ho sặc sụa, khóc thét. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành trong tình trạng ói ra dịch đàm lẫn máu, các bác sĩ chỉ gắp ra được một số mảnh.
Bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, các bác sĩ gây mê mổ nội soi gắp con cá rô đồng còn sống với vây cứng, ngạnh sắc nhọn, dài khoảng 7 cm ra ngoài cổ họng bệnh nhi.
Thông tin trên Znews, Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Văn Phan, Trưởng khối Liên chuyên khoa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết các bác sĩ đã khẩn trương gây mê và nội soi gắp phần còn lại của con cá. Do cá rô có nhiều vây cứng, ngạnh sắc nhọn, đuôi bị nát, vảy rơi và kẹt trong hầu họng, một số xương còn cắm sâu vào mô xung quanh nên quá trình can thiệp gặp không ít khó khăn. Bác sĩ phải rất tỉ mỉ để tránh làm tổn thương thêm niêm mạc hầu họng của bé.
Sau khi được lấy hết dị vật, sức khỏe bé H. đã ổn định, ăn uống trở lại bình thường và dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Phan cảnh báo những tình huống hóc dị vật ở trẻ, đặc biệt với các vật thể sống như cá, côn trùng, thường nguy hiểm hơn nhiều so với các vật thể rắn thông thường. Dị vật sống có thể giãy giụa, di chuyển sâu vào đường thở hoặc gây tổn thương nặng cho niêm mạc, dẫn đến chảy máu, sưng nề, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
"Phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ chơi với những con vật đang sống hoặc các vật nhỏ có thể bỏ vào miệng, bởi trẻ rất hiếu động, dễ vô tình nuốt hoặc để dị vật chui vào đường thở, đường tiêu hóa", bác sĩ Phan khuyến cáo.
Khi trẻ có biểu hiện ho sặc sụa, tím tái, khó thở, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí ngay. Việc cố móc dị vật bằng tay khi không có kỹ thuật có thể làm dị vật chui sâu hơn, tăng nguy cơ tổn thương cho trẻ.