Theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như đề xuất từ Bộ Công Thương, Bộ Y tế cần thực hiện nghiên cứu khoa học toàn diện về thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) để hoàn thiện dự thảo Nghị định 67 sửa đổi, làm cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát các sản phẩm này.
Hiện trên thế giới đã có một số quốc gia có điều kiện thực hiện các nghiên cứu như vậy để kiểm chứng các công bố từ nhà sản xuất. Mặt khác, chính những nghiên cứu đã được thực hiện với quy mô chuyên sâu từ các quốc gia có trình bộ khoa học công nghệ cao như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… cũng là cơ sở khoa học tin cậy để tham khảo đối với những nước chưa có đủ điều kiện, thay vì phải tốn nguồn lực, thời gian tự thực hiện lại từ đầu.
Nghiên cứu khoa học của FDA về thuốc lá làm nóng
Năm 2019, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép kinh doanh cho 1 loại TLLN chứa nguyên liệu thuốc lá khô (không phải là dạng lai giữa TLĐT và TLLN), trước khi tiếp tục cấp Chỉ định đây là sản phẩm thuốc lá “Điều chỉnh về mức độ nguy cơ – Giảm thiểu phơi nhiễm (với chất gây hại lên cơ thể)” (MRTP) vì sản phẩm “phù hợp với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng” vào năm 2020.
Để có quyết định này, FDA đã nghiên cứu 2 triệu trang hồ sơ khoa học từ nhà sản xuất, cũng như thực hiện các nghiên cứu độc lập để đối chiếu, trong đó bao gồm cả nghiên cứu đánh giá các dấu ấn sinh học đối với người hút thuốc lá chuyển đổi hoàn toàn sang loại TLLN này. Kết quả, dấu ấn sinh học sau 90 ngày theo dõi trên người phơi nhiễm với khí hơi TLLN đã giảm đáng kể từ 34-92% (theo nghiên cứu tại Nhật) và 15-82% (theo nghiên cứu tại Mỹ) so với người hút thuốc lá điếu. Nghiên cứu của FDA cũng chỉ ra, các dữ liệu đến nay của sản phẩm TLLN mà FDA thẩm định cho thấy 3 yếu tố khác biệt với thuốc lá điếu.
Đầu tiên sản phẩm chỉ làm nóng nhưng không đốt cháy nguyên liệu thuốc lá. Điều này dẫn đến yếu tố thứ hai là sản phẩm giảm đáng kể sự hình thành các chất hóa học có hại hoặc có tiềm năng gây hại.
Yếu tố thứ ba quan trọng nhất, FDA công bố việc chuyển đổi hoàn toàn từ thuốc lá điếu sang loại TLLN này cũng giúp giảm thiểu đáng kể sự phơi nhiễm của cơ thể với 15 chất hóa học gây hại. Quá trình đánh giá độc tính sản phẩm của FDA cũng khám phá rằng, so với khói thuốc lá điếu, khí hơi TLLN chứa hàm lượng thấp hơn các chất có tiềm năng gây ung thư hoặc gây tổn thương đến hệ hô hấp hay sinh sản.
Việt Nam có thể thừa nhận, công nhận kết quả nghiên cứu từ nhiều quốc gia
Trên thế giới, ngoài FDA, Bộ Y tế Nhật Bản và các nước khác như Anh, Hà Lan, Bỉ, New Zealand, Nga, và Hàn Quốc đã tiến hành nhiều nghiên cứu và đưa ra các quyết định đối với TLLN.
Tại Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này cũng đã công bố một số kết quả nghiên cứu chuyên biệt. Những kết quả này tác động đến quyết sách của chính phủ trong việc kiểm soát tác hại của TLM. Các nhà khoa học còn đo nồng độ nicotine, tar (nhựa thuốc), CO, và nitrosamine của TLLN và so sánh với khói của thuốc lá điếu. Phương pháp chính thức SOP của TobLabNet từ WHO được sử dụng để thực hiện các phép định lượng từng thành phần của TLLN và thuốc lá điếu thông thường. Từ đó, TLLN được cho phép sử dụng trong các nhà hàng, quán ăn có khu vực dành riêng cho người dùng sản phẩm này.
Tại Phiên giải trình ngày 4/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nêu rõ: “Cần nhận diện đúng về TLĐT, TLLN, đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này, có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề này; đối với những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật cần bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của TLĐT, TLLN; quản lý nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý Nhà nước”.
Trong nước, đến nay Việt Nam đã có 3 tiêu chuẩn quốc gia về TLLN và TLĐT do VSQI – Bộ Khoa học-Công nghệ nghiên cứu, công bố từ năm 2020-2021 về TLLN và TLLĐT để xác định không có diễn ra sự đốt cháy của các sản phẩm này.
Giới chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam có thể tham khảo hoặc thừa nhận những căn cứ khoa học và pháp lý cập nhật nhất từ các cơ quan y tế, chính phủ trên toàn cầu, để sớm có giải pháp phù hợp cho việc kiểm soát TLĐT, TLLN. Điều này có nghĩa, Việt Nam có thể sử dụng các nghiên cứu các nghiên cứu về độc học từ Bộ Y tế Nhật Bản hoặc FDA Hoa Kỳ đối với những sản phẩm thuốc lá mới đã được các quốc gia này thẩm định.
Bước đi này cũng sẽ phù hợp với cách làm tương tự đối với lĩnh vực y tế, đặc biệt phù hợp với dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Dược 2016 mới đây, cũng quy định cơ quan y tế cần mở rộng "công nhận và áp dụng các tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của các nước trên thế giới" (Điều thứ bảy Đề xuất sửa đổi, bổ sung 44 điều của 8 chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương tại Luật Dược năm 2016).
Hiện FDA đã công bố minh bạch trên website chính thức những sản phẩm do cơ quan này thẩm định để cấp phép hoặc từ chối để các nước tham khảo.