Giai đoạn 2024 - 2025 người lao động được điều chỉnh tăng lương hưu theo quy định tại Nghị định 75/2024/NĐ-CP và Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025). Lộ trình tăng lương hưu giai đoạn 2024 - 2025 cho người lao động như sau:
Thời điểm tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024
Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Thời điểm và mức điều chỉnh
1. Từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024 đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
2. Từ ngày 1/7/2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định này, sau khi điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều này, có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
3. Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định tại Điều này là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Như vậy, theo lộ trình, năm 2024 người lao động được tăng lương hưu từ ngày 1/7, cụ thể tăng như sau:
- Tăng lương hưu 15% trên mức lương hưu tháng 6/2024.
- Sau khi tăng 15% sẽ tiếp tục tăng thêm đối với người lao động nghỉ hưu trước năm 1995 quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP có mức lương hưu dưới 3.500.000 đồng như sau:
+ Tăng lên 3.500.000 đồng/tháng: đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
+ Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng: đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng.
Thời điểm tăng lương hưu từ ngày 1/7/2025
Căn cứ theo Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Điều chỉnh lương hưu
1. Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
2. Điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
3. Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu quy định tại Điều này.
Như vậy, năm 2025, người lao động có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được tăng lương hưu với mục đích thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Từ ngày 1/7/2025, người không có lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp thế nào?
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025; có những điểm mới quan trọng liên quan đến người lao động, cũng như việc thụ hưởng chính sách an sinh xã hội. Trong đó, đáng chú ý, Điều 21 của luật quy định về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Từ ngày 1/7/2025, người không có lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp thế nào?
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định: Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ), hoặc người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định, thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Đồng thời, luật cũng quy định, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.
Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Ngoài ra, đáng chú ý, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng cũng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế, theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng, theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/người/tháng.
Theo tính toán, khi giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, có khoảng 800.000 - 1 triệu người cao tuổi được thụ hưởng.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội là để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Thống kê đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.