Hai năm sau kết hôn, tôi – một người phụ nữ đang ở ngưỡng 35 tuổi, mẹ của một bé gái hơn một tuổi – vẫn chưa thể thực hiện điều tưởng chừng đơn giản: ra riêng.
Từ trước khi cưới, tôi đã nói rõ mong muốn này với chồng. Tôi hiểu hoàn cảnh của anh – là con trai út, mẹ đơn thân, bố mẹ ly dị từ lâu, chị gái lại đã lấy chồng. Tôi cũng hiểu trách nhiệm của người làm dâu, làm con. Nhưng tôi nghĩ, khi còn trẻ, khi mẹ chồng vẫn khỏe mạnh, vợ chồng nên có khoảng trời riêng để gây dựng nền tảng hôn nhân vững vàng. Mai này mẹ yếu, cần chăm sóc, tôi không hề né tránh.
Thế nhưng, chồng tôi – người đàn ông gần 40 tuổi – chưa từng phải “chịu khổ”, nên càng không muốn xa vòng tay mẹ. Anh quen với việc được mẹ lo từng bữa ăn, giấc ngủ, quen với không khí gia đình cũ đến mức... không muốn rời đi.
Lúc yêu, anh nói “ở riêng là chuyện hợp lý”. Khi cưới xong, anh bảo “ở chung vài tháng rồi tính”. Nhưng suốt 2 năm qua, mỗi lần tôi nhắc lại, anh lại trì hoãn, lấy đủ lý do để gác lại. Chỉ khi anh và mẹ cãi nhau – vì hai người vốn bất đồng quan điểm – anh mới nổi nóng, giục tôi tìm nhà trọ để dọn ra. Nhưng hôm sau, mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Ở chung, nhưng không hề “chung”
Mẹ chồng tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, làm chủ kinh tế, thẳng tính và có phần khắt khe. Sau khi sinh con, tôi nghỉ việc để ở nhà chăm bé – phần vì sức khỏe, phần vì nhà chồng không ủng hộ chuyện tôi đi làm lương “ba cọc ba đồng”. Họ bảo thuê giúp việc thì không yên tâm, gửi trẻ lại lo “con còn nhỏ”. Gửi cháu về quê cho ông bà ngoại càng không được vì... “ở đó không đảm bảo”.
Nói là sống chung nhưng việc trông cháu, lo từng bữa sữa, giấc ngủ – đều do tôi một tay xoay xở. Mẹ chồng chỉ chơi với cháu vài lần, còn lại gần như không can dự, nhưng hễ có chuyện gì xảy ra, bà lại suy diễn theo hướng “tại con dâu”.
Tôi từng bị nghi lấy cắp tài sản khi mẹ chồng bị mất đồ. Dù sau đó tìm lại được trong két sắt, bà cũng không đả động gì tới lời xin lỗi. Kể từ đó, không khí trong nhà ngột ngạt hơn, họ hàng ít qua lại, tôi gần như bị cô lập.
Tôi không muốn sống trong sự nghi ngờ
Sau sinh, tôi gần như không còn bạn bè vì lấy chồng xa, cũng không còn đồng nghiệp để tâm sự. Cuộc sống quẩn quanh với con nhỏ, cơm nước, mẹ chồng – khiến tôi nhiều lần rơi vào trạng thái bế tắc. Tôi chỉ mong đến cuối tuần, để có chồng ở nhà, có người chia sẻ. Nhưng ngay cả điều đó cũng dần trở nên mong manh.
Tôi từng nghĩ, vợ chồng là hai người cùng chia sẻ. Nhưng mỗi khi tôi mở lời, kể những điều mình thấy không ổn, anh đều gạt đi: “Có gì đâu mà nói”. Ngược lại, nếu là anh không hài lòng điều gì thì lập tức biến nó thành chuyện to tát.
Chồng tôi không xấu, nhưng anh không hiểu cảm giác của một người phụ nữ sống trong nhà chồng – nơi mà từng câu nói, ánh nhìn, đều có thể trở thành lý do để bị hiểu sai. Tôi mệt mỏi vì phải luôn “liệu cơm gắp mắm”, vì phải chịu đựng những lời mỉa mai dù bản thân đã cố gắng hết sức. Tôi mong một không gian riêng, không để trốn tránh trách nhiệm, mà là để gìn giữ hạnh phúc.
“Ở riêng” – sao lại là điều xa xỉ đến thế?
Tôi chưa từng đòi hỏi sống xa cách hay tách biệt hoàn toàn. Tôi chỉ xin một căn nhà nhỏ gần đó, cuối tuần vẫn có thể qua lại, cùng ăn cơm với mẹ. Tôi chưa từng có ý định bỏ bê hay trốn tránh. Thế nhưng, điều đơn giản đó lại trở thành chuyện “nhạy cảm”, chạm vào là gây sóng gió.
Tôi đã thuyết phục, đã mềm mỏng, đã chờ đợi. Nhưng đến lúc này, tôi bắt đầu tự hỏi: mình còn chờ đến bao giờ? Khi con đã lớn? Khi mẹ chồng già yếu? Hay khi chính hôn nhân này không còn đủ sức để gắng gượng?