Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Mừng – lo của người dân trước kế hoạch hạn chế xe máy từ năm 2025 ở Hà Nội

Mừng vì nếu hạn chế ô tô, xe máy xăng, đường phố sẽ thoáng đãng, sạch sẽ và ít ùn, tắc giờ cao điểm hơn. Lo vì công việc xe ôm không còn đủ nuôi sống hai ông bà già.

Đây là tâm sự của ông Hòa (70 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trên báo Tiền phong (bài viết đăng tải sáng 29/10) trước việc Hà Nội dự kiến hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại 5 khu vực từ đầu năm 2025, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

mung-lo-cua-nguoi-dan-khi-ha-noi-cam-xe-may-1-1730173052.webp
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ông Hòa mua chiếc xe máy xăng loại cũ làm nghề xe ôm, thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Cuộc sống của vợ chồng già chủ yếu nhờ nguồn thu nhập này.

Anh Nguyễn Ngọc Dũng (45 tuổi, Hưng Yên), gia đình 4 miệng ăn trông chờ vào số tiền công 9 - 10 triệu/tháng từ việc đi giao hàng trong nội thành bằng xe máy. “Phương án của thành phố chúng tôi vô cùng hoan nghênh vì nó thiết thực và cần thiết cho giao thông thông minh. Tuy nhiên, nếu cấm hay hạn chế xe máy xăng thì cần có phương án điều chỉnh phù hợp, để những người lao động phụ thuộc vào phương tiện này như chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều”, anh Dũng nói với PV báo Tiền phong.

Theo Báo Vietnamnet, thống kê của Sở GTVT TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó có gần 1,5 triệu ô tô. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm, riêng ô tô khoảng 10% nhưng tốc độ tăng hạ tầng giao thông chỉ khoảng 0,28%. Những bất cập trên dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng.

Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua hồi tháng 6, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nêu khái niệm ''vùng phát thải thấp'' (LEZ) là khu vực được xác định để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn.

Phương tiện giao thông (trừ xe điện, xe ưu tiên) hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.

Trên báo Người lao động thông tin, Hà Nội cho rằng có nhiều nguồn gây ô nhiễm, trong đó giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM 2.5 lớn nhất, chiếm 50-70%. Vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.

Được biết, dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn, TP Hà Nội đưa ra 5 vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm.

Thứ nhất là khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; mật độ dân cư cao, có các khu vực/địa danh cần được bảo tồn, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa xã hội.

Thứ hai, khu vực đang bị ô nhiễm không khí do nguồn phát thải từ giao thông.

Thứ ba, khu vực có hạ tầng đáp ứng được yêu cầu của phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông một cách phù hợp, thuận tiện và khoa học.

Thứ tư, khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện.

Thứ năm, khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.

Báo Giao thông cho hay, những khu vực được xác định là vùng phát thải thấp sẽ phải áp dụng các biện pháp về giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm không khí. Theo đó, Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030 (theo nghị quyết của HĐND thành phố từ năm 2017).

Thành phố sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải; quy định các khu vực cấm ô tô chạy dầu diesel, khu vực hạn chế xe máy, xe tải, taxi; và chính sách khuyến khích thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng xe chạy điện.

Dự kiến, việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp (LEZ), hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện từ đầu năm 2025.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một số chuyên gia về giao thông cho rằng, người dân cần có sự lựa chọn khi thành phố hạn chế và tiến tới cấm hẳn xe máy vào khu vực nội đô. Phương tiện công cộng phải được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, thêm các tuyến xe buýt đi vào các phố nhỏ, các khu vực xa trung tâm; các dự án đường sắt trên cao cần sớm hoàn thiện...