Theo thông tin mới nhất trên báo Nhân Dân và Tuổi Trẻ, chia sẻ với báo chí trưa ngày 12/4, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết đơn vị đang chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp để bình ổn thị trường vàng.
Cụ thể đối với thị trường vàng miếng sẽ thực hiện tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới. Trong tháng 4 sẽ tiến hành thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp vàng và ngân hàng.
Khẳng định này được đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng chênh lệch quá cao giữa giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế.
Thuật ngữ "tăng cung vàng miếng" thường được sử dụng trong lĩnh vực kinh tế và tài chính để chỉ việc gia tăng lượng vàng hoặc tài sản vàng tồn đọng có sẵn trên thị trường.
Điều này có thể xảy ra khi có sự gia tăng đột ngột trong sản xuất vàng từ mỏ vàng hoặc từ việc bán ra lượng lớn vàng từ các nguồn dự trữ, như các quỹ vàng của các quốc gia.
Khi tăng cung vàng miếng xảy ra, có thể dẫn đến sự giảm giá của vàng trên thị trường do sự tăng cầu không đồng bộ so với cung, làm giảm giá trị tài sản vàng.
Theo chia sẻ của Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước, thời gian vừa qua trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh và chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế.
Để có thể ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp và các ngân hàng trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023...
Cụ thể, nhằm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo kết luận số 160/TB-VPCP ngày 11/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay các giải pháp sau:
- Đối với thị trường vàng miếng, việc thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với thế giới.
- Đối với vàng trang sức và mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Theo Dân Trí, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp cùng với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan nhằm yêu cầu các doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Cùng với đó thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm những hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.
Đối với hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ban ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai trong tháng 4 này.
Xem thêm: Giá vàng liên tục leo đỉnh: Thủ tướng yêu cầu xử lý ngay và luôn!
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 24 và cũng đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung đối với Nghị định 24 và triển khai trong thời gian tới.
Trong phiên giao dịch hôm nay 12/4, giá vàng miếng SJC và nhẫn trơn đồng loạt thiết lập đỉnh lịch sử. Theo đó, sau khi giá vàng thế giới phá ngưỡng 2.391 USD/ounce đã kéo vàng miếng SJC hôm nay lên mức kỷ lục 85 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn giao dịch ở mức 77 triệu đồng/lượng.
Nếu quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, mỗi lượng vàng nhẫn trong nước hiện đang cao hơn so với giá vàng thế giới từ 5 - 6,5 triệu đồng; Mức chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và thế giới hiện đang ở quanh ngưỡng 13 triệu đồng.
Hồng Hạnh (t/h)