Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nghị quyết về cấm thuốc lá mới dự kiến trình Quốc hội tháng 10/2024

Bộ Y tế đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tránh cho thế hệ tương lai nghiện nicotine

Thông tin tới báo chí về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này, bà Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm và cần khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời.

Điều này, sẽ tránh cho cả một thế hệ tương lai nghiện nicotine, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên.

Với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Quốc hội lần đầu tiên có Phiên họp giải trình trách nhiệm quản lý Nhà nước về thuốc lá mới. Tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 47 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Bà Thủy cho biết thêm, hiện nay việc quy định hành vi cấm được quy định tại Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh đang được quy định tại Luật Đầu tư và thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên nội dung quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Đối thoại - Nghị quyết về cấm thuốc lá mới dự kiến trình Quốc hội tháng 10/2024

Bà Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

Để kịp thời có biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới, Bộ Y tế nhận thấy việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật "Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội" là phù hợp với thẩm quyền.

Sau khi nghiên cứu và trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngày 22/5/2024, Bộ Y tế đã có báo cáo số 626 trình Chính phủ về thực trạng, tác hại, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Trong đó, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.

Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.

Về phạm vi điều chỉnh Nghị quyết, cần giải thích rõ khái niệm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới khác; quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác, cấm các thiết bị điện tử và dung dịch điện tử, đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Bà Thủy cho rằng cần phải quy định cấm toàn bộ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bao gồm mọi tổ chức, cá nhân có liên quan.

“Bởi, nếu chỉ đề xuất cấm người dưới 18 tuổi mua, bán, sử dụng, không bán cho người dưới 18 tuổi hay không sử dụng người dưới 18 tuổi mua, bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì công tác phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ không đạt được mục tiêu giảm tỉlệ hút thuốc lá trong cộng đồng, tạo "cửa ngõ" cho trẻ em sử dụng thuốc lá và phát sinh các nguy cơ khác”, bà Thủy nói.

Về hồ sơ, trình tự, thủ tục ban hành Nghị quyết, trong trường hợp trình Nghị quyết của Quốc hội theo quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phải có bước lập hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, rút ngắn được thời gian xây dựng và ban hành văn bản, đáp ứng kịp thời tính cấp thiết ngăn chặn sản phẩm độc hại này trong thực tế.

Bà Thủy cũng thông tin, nếu được Chính phủ đồng ý, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2024. 

Đòi hỏi sự chung tay của tất cả các bộ, ngành

Trả lời câu hỏi của Người Đưa Tin về việc nếu Nghị quyết được Quốc hội thông qua thì Bộ Y tế sẽ có kế hoạch triển khai và phối hợp với các bộ, ngành liên quan thế nào để Nghị quyết thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống?

Về nội dung này, bà Thủy cho biết có nhiều ĐBQH cũng hỏi Bộ đề xuất ra biện pháp cấm như vậy có hiệu quả hay không?

Tuy nhiên, theo bà Thủy, nếu Nghị quyết được thông qua thì rất dễ dàng trong việc quản lý. Bởi, chúng ta có sẵn hệ thống pháp luật để quản lý các sản phẩm cấm.

“Có thể thấy, từ Bộ Luật Hình sự điều 190, 191 hay liên quan đến Nghị định 98 về hàng giả, hàng cấm cùng các hệ thống xử phạt kèm theo nếu bắt được hàng cấm thì có đầy đủ các chế tài xử phạt. Khi phát hiện ra thì xử phạt ngay, không cần đưa qua xét nghiệm có chất ma túy hay không… Điều này giúp dễ dàng trong xử lý”, bà Thủy thông tin.

Đối thoại - Nghị quyết về cấm thuốc lá mới dự kiến trình Quốc hội tháng 10/2024 (Hình 2).

Công tác phòng chống tác hại thuốc lá đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của tất cả các bộ, ban ngành.

Thêm nữa, công tác phòng chống tác hại thuốc lá là công tác đa ngành, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của tất cả các bộ, ban ngành không phải chỉ riêng ngành y tế.

Ví dụ như Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong trường học cũng phải tuyên truyền, phổ biến, có những hành vi ngăn chặn như học sinh không được hút thuốc trong trường học… Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… với chức năng nhiệm vụ của mình cũng cần chung tay.

“Khi Nghị quyết được ban hành, chắc chắn Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ ban hành kế hoạch để triển khai, trong đó cũng sẽ giao trách nhiệm rất rõ cho các bộ, ngành”, bà Thủy nói.

“Chúng tôi mong muốn cần phải sớm có Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới, ban hành sớm ngày nào thì càng ngăn chặn tốt được ngày đấy”, bà Thủy nói và cho rằng đây là đề xuất nhanh nhất, cũng là mong muốn của ngành y tế đứng trên lợi ích bảo vệ sức khỏe của người dân.

Hoàng Thị Bích/Người đưa tin