Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trưa ngày 25/4 đã phát đi thông báo hủy phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC.
Trước đó, phía NHNN đưa ra thông báo phiên đấu thầu vàng sẽ diễn ra vào 9h sáng cùng ngày với khối lượng tham gia tối thiểu 1.400 lượng và tối đa 2.000 lượng, tỷ lệ đặt cọc 105 tương tự phiên đấu thầu ngày 23/4.
Phiên đấu thầu đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào sáng ngày 22/4 cũng bị hủy bỏ do "không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền cọc".
Chia sẻ trên Tiền Phong, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng ngay từ điều kiện ban đầu, việc đấu thầu vàng đã không hợp lý: Khối lượng đặt thầu cho một đơn vị lên tới 1.400 lượng với mức giá cọc ban đầu, một đơn vị phải bỏ ra tầm 100 tỷ đồng.
"Điều này chỉ phù hợp với doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng chủ yếu vừa và nhỏ. Việc này dẫn đến cạnh tranh không công bằng. Thậm chí ta có quyền đặt câu hỏi có lợi ích nhóm nào ở đây không khi đưa ra những điều kiện cao như vậy", ông Long nhận định.
Cũng theo đó, ông Long đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc các quy định khi tổ chức đấu thầu vàng miếng, gồm quy định về khối lượng tối thiểu đặt thầu, mức giá đặt cọc cũng như mức giá sàn đấu thầu. Phiên đấu giá thứ 2 không thu hút được các doanh nghiệp tham gia cũng là do điều kiện nói trên.
"80% lượng vàng đấu thầu phiên đầu tiên bị ế là vấn đề đáng suy nghĩ. Doanh nghiệp đã kinh doanh phải tính đến lợi nhuận. Nếu trúng thầu, doanh nghiệp phải bán cao hơn mức giá trúng thầu. Như vậy, với mức giá khởi điểm đưa ra, đấu thầu không những không hạ nhiệt được giá vàng trong nước mà giá lại còn bị đẩy lên", ông Long chia sẻ.
Ông Long cũng nhìn nhận, theo chỉ đạo của Chính phủ, mục tiêu của việc đấu thầu vàng để ổn định thị trường vàng trong nước và kéo chênh lệch giá vàng trong nước sát với thế giới. Tuy nhiên, qua phiên đấu thầu vàng đầu tiên, mục tiêu này vẫn chưa đạt được.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, giải pháp duy nhất hiện tại chính là tăng nguồn cung. Giá vàng thế giới tính cả thuế, phí chỉ ở vào khoảng hơn 74 triệu đồng/lượng. Do đó, việc đấu thầu vàng bằng hiện nay, NHNN cần tính bằng giá trên (Hiện giá vàng miếng cao hơn thế giới hơn 10 triệu đồng/lượng và có thời điểm gần 20 triệu đồng/lượng) mới hấp dẫn được các đơn vị tham gia.
Xem thêm: Vàng tăng "sốc" trước phiên đấu thầu vàng miếng SJC lần 2 của NHNN
Ngoài ra, theo Tuổi Trẻ, dưới nhận định của các chuyên gia, việc NHNN đưa ra mức giá đặt cọc cũng như mức giá sàn quá cao khiến cho giá vàng trên thị trường "té nước theo mưa" và doanh nghiệp vàng cũng không dám tham gia, đặc biệt ở thời kỳ nghỉ lễ dài do sức mua yếu và rủi ro lớn.
Hồng Hạnh (t/h)