Dù được mệnh danh là “Maldives của châu Âu” với biển xanh, cát trắng và giá cả siêu rẻ – chỉ 77 xu cho một ly bia, Albania đang ẩn giấu một thế giới ngầm đầy nguy hiểm. Nhiều chuyên gia cảnh báo: du khách có thể đang vô tình nghỉ dưỡng tại những khu resort do mafia điều hành và rửa tiền.
Theo thống kê, hơn 120.000 người Anh đến Albania mỗi năm để tận hưởng nắng ấm tại các địa điểm nổi tiếng như Ksamil hay Vlore – chỉ cách Anh vài giờ bay. Tuy nhiên, đằng sau vẻ đẹp quyến rũ của bờ biển Albania là một hệ thống tội phạm có tổ chức quy mô lớn, mà các khách sạn, quán bar hay câu lạc bộ bãi biển chỉ là “vỏ bọc”.
Tiền bẩn chảy vào du lịch
Một báo cáo năm 2023 từ Chỉ số Tội phạm Có tổ chức Toàn cầu chỉ ra rằng Albania đang là điểm trung chuyển heroin từ Trung Đông và Nam Á vào châu Âu, đồng thời là tuyến vận chuyển cocaine từ Mỹ Latin vào Anh và lục địa già. Cảnh sát từng phát hiện các phòng thí nghiệm ma túy tại các thành phố Elbasan, Fier và Tirana. Trong khi đó, riêng ngành sản xuất cần sa của Albania đã được ước tính trị giá lên tới 4,5 tỷ euro.

Các tổ chức mafia Albania không chỉ buôn ma túy, mà còn tham gia mạnh vào buôn người và rửa tiền. Một phần đáng kể các hoạt động bất hợp pháp này được che đậy thông qua đầu tư vào du lịch và bất động sản – đặc biệt là ở các vùng ven biển giàu tiềm năng.
Thế lực mafia len lỏi khắp châu Âu
Theo tài liệu rò rỉ từ Bộ Nội vụ Anh, năm 2022 có tới 12.000 người Albania vượt biên trái phép vào Anh – chiếm hơn 1/4 trong tổng số 45.000 người. Mafia Albania bị liệt vào danh sách “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với an ninh nước Anh, và được cho là đang chi phối thị trường cocaine trị giá 5 tỷ bảng/năm tại đây.
Giáo sư Xavier Raufer – chuyên gia tội phạm học thuộc Đại học Paris-Sorbonne – cho biết: “Ở Albania chỉ có khoảng 30 gia tộc mafia lớn, với truyền thống hoạt động từ thời Trung Cổ. Điều này khiến họ trở nên cực kỳ nguy hiểm, vì tuân thủ quy tắc nghiêm ngặt và hoạt động bí mật.”
Theo ông Raufer, các gia tộc mafia mạnh nhất thường kiểm soát các khu vực ven biển – nơi lý tưởng cho hoạt động buôn lậu.
Tham nhũng “tiếp tay” cho tội phạm
Năm 2023, Albania ghi nhận 39 vụ giết người, phần lớn được cho là các vụ thanh trừng kiểu mafia. Báo cáo tội phạm của nước này khẳng định: “Các lĩnh vực bất động sản và du lịch ngày càng bị tội phạm có tổ chức thao túng.”

Cựu nghị sĩ Albania, bà Rudina Hajdari, cho rằng tình trạng tham nhũng là nguyên nhân gốc rễ: “Nhiều khách sạn tại miền nam Albania bị nghi xây dựng bằng tiền ma túy. Chúng mở tài khoản ngân hàng nhờ người thân đứng tên, rồi dần dần rửa tiền qua bất động sản. Chính quyền biết nhưng làm ngơ – hoặc vì lợi ích đầu tư, hoặc để giữ ghế quyền lực.”
Tại cảng Durres – cửa ngõ thương mại lớn nhất Albania – có thông tin cho rằng nhân viên hải quan được chỉ đạo “né” kiểm tra một số phương tiện, giúp ma túy lọt qua các xe tải, xe khách dễ dàng. Thậm chí, thị trưởng thị trấn Himare ven biển đã bị bắt vì làm giả giấy tờ để chiếm đất công phục vụ dự án tư nhân.
Du lịch bùng nổ giữa hoài nghi
Bất chấp các cảnh báo, ngành du lịch Albania vẫn phát triển mạnh. Năm 2024, nước này đón tới 11,7 triệu lượt khách quốc tế, gần gấp đôi so với trước đại dịch, và tăng trưởng 8% so với năm trước đó.
Thậm chí, Jared Kushner – con rể cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – đã đề xuất kế hoạch đầu tư 1,4 tỷ euro để biến đảo hoang Sazan (từng là căn cứ quân sự) thành khu nghỉ dưỡng cao cấp, dự kiến tạo ra hơn 1.000 việc làm trong ngành du lịch.
Tuy vậy, bà Hajdari khẳng định: “Vấn đề không nằm ở người dân Albania. Họ rất mến khách, thân thiện và hiền hòa. Nhưng sự thiếu minh bạch, cơ hội và hệ thống pháp luật yếu kém đã khiến các hoạt động phi pháp bùng phát.”