Mở thêm ngành mới
Được mệnh danh là "Minh nhựa" đất Bắc, tên tuổi doanh nhân Bùi Tố Minh gắn với CTCP Tập đoàn Hóa chất nhựa (Plaschem group). Pháp nhân này được thành lập vào tháng 10/1999, lĩnh vực cốt lõi của tập đoàn là kinh doanh và sản xuất sản phẩm nhựa.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tập đoàn này tăng vốn điều lệ lên mức 2.999,8 tỷ đồng. Và mới đây nhất, Plaschem group của Chủ tịch Bùi Tố Minh đã đăng ký mở rộng thêm 2 ngành nghề kinh doanh gồm: Hoạt động tư vấn quản lý và Hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan.
Plaschem Group hiện sở hữu hai nhà máy bao bì bạt nhựa Tú Phương tại Gia Lâm (Hà Nội). Đây là nhà máy đầu tư dây chuyền sản xuất hạt nhựa đầu tiên theo công nghệ nước ngoài vào năm 2001.
Đến năm 2012, nhà máy sản xuất bao bì Jumbo Tú Phương cũng được thành lập tại xã Dương Xá, Gia Lâm (Hà Nội) chuyên sản xuất các sản phẩm bao Jumbo - dùng để chứa đựng, lưu trữ và vận chuyển sản phẩm, nguyên vật liệu có tải trọng từ 500 kg đến 3.000 kg.
Đầu năm 2013, tập đoàn mở rộng sản xuất vào khu vực phía Nam bằng việc xây dựng Nhà máy sản xuất bao AD* Star Tú Phương tại Tỉnh Long An với tổng số vốn đầu tư là 15 triệu USD, tổng diện tích 20.000m2, sản lượng 13 triệu bao/ tháng (156 triệu bao/năm).
Cũng tại Long An, Plaschem Group tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà máy Màng BOPP Tú Phương trên khu đất với tổng diện tích 40.000m2 thuộc Cụm công nghiệp Tú Phương vào năm 2020.
Song song với đó, Plaschem Group đẩy mạnh lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp bằng việc đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Tú Phương (CCN Tú Phương) nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP. Tân An, tỉnh Long An. CCN Tú Phương có diện tích 43,9ha, quy hoạch thành 6 phân khu có thời hạn sử dụng tới năm 2065.
Tháng 3/2021, Tập đoàn Hóa chất nhựa được phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn I mở rộng phía Đông Bắc nút giao Vực Vòng - giai đoạn I, tỉnh Hà Nam.
Dự án có quy mô sử dụng đất 100 ha, được thực hiện dự án tại xã Bạch Thượng, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.103 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 220 tỷ đồng.
Danh mục dự án khu công nghiệp của Plaschem Group còn có thể kể tới Khu công nghiệp Bình Đông (tỉnh Tiền Giang; quy mô 212ha) và Khu Công nghiệp Bắc Thường Tín (Hà Nội; quy mô 112ha), dự án khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản (Nghệ An).
Thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng Silk Path
Không chỉ xây dựng vững chắc vị thế hàng đầu trong ngành nhựa, vị doanh nhân sinh năm 1967 còn thể hiện tham vọng trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, không thể không nhắc tới thương vụ Plaschem chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng Plaschem tại "đất vàng" số 93 phố Đức Giang (phường Đức Giang, quận Long Biên) cho CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản Thế Kỷ (Cen Invest) hồi tháng 1/2020. Dự án có quy mô sử dụng đất khoảng 4,1ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.480,7 tỷ đồng.
Trên website, Plaschem còn giới thiệu một số công trình khác do tập đoàn làm chủ đầu tư như: Tòa nhà văn phòng Plaschem (số 562 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, Quận Long Biên, Hà Nội), Khu Nhà ở Green Park (số 319 Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Khu nhà ở thấp tầng Bồ Đề (Ô quy hoạch E.2/N011, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội)...
Trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, doanh nhân Bùi Tố Minh xây dựng thương hiệu Silk Path nổi tiếng tại nhiều tỉnh thành.
Tập đoàn Khách sạn Silk Path (Silk Path Hotels & Resorts) được thành lập vào năm 2009, bắt đầu với khách sạn Silk Path Hotel Hanoi (số 195-199 Hàng Bông, Hà Nội). Đến năm 2015, chuỗi này ra mắt thêm Silk Path Boutique Hanoi tại số 21 Hàng Khay.
Mới đây nhất, Silk Path Hotels & Resorts được chọn làm quản lý vận hành dự án The Gloria by Silk Path – tòa căn hộ cao 12 tầng nổi và 3 tầng hầm tọa lạc tại vị trí số 8, đường Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội.
Silk Path gây chú ý khi "bắt tay" với một số doanh nghiệp có “gốc” Nhà nước để phát triển quỹ đất xây dự án bất động sản. Trong đó, điển hình là thương vụ với CTCP Vận Tải Muối (Sal Traco) để sở hữu khu đất tại ngõ 319 phố Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây chính là khu đất hình thành dự án thương mại Green Park với 94 căn hộ liền kề cao 5 tầng, đồng bộ theo kiến trúc châu Âu. Ông Bùi Tố Minh cũng từng có thời gian là Chủ tịch HĐQT Sal Traco, chủ đầu tư dự án.
Cuối năm 2020, Silk Path đã có mặt tại một số địa điểm du lịch nổi tiếng khác như Sapa (Lào Cai) và Huế. Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư du lịch nghỉ dưỡng Puscamcap Sapa là đơn vị sở hữu Silk Path Grand Resort & Spa Sapa, được giới thiệu là khu nghỉ dưỡng đầu tiên tại Sapa đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Còn tại Huế, Công ty TNHH Khách sạn Silk Path đang là cổ đông lớn tại CTCP Du lịch Xanh - Huế Vneco, đơn vị vận hành Khách sạn Xanh (địa chỉ: số 2 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Các khách sạn của Silk Path tại Sapa và Huế do bà Bùi Tú Phương, ái nữ của ông Minh, điều hành. Chưa hết, năm 2021, bà Phương đại diện Công ty TNHH Khách sạn Silk Path liên danh với Công ty CP Đầu tư du lịch Bình Định, Công ty TNHH Xuân Cầu thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty CP đầu tư Bờ Biển Vàng để thực hiện dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).
Cũng trong năm 2021, CTCP Sân Golf Silk Path do ông Bùi Tố Minh làm người đại diện theo pháp luật, tiến hành khởi công dự án The Imperial Valley Golf & Country Club, có diện tích 127,5ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng tại Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Cuối năm 2023, Plaschem tham gia liên danh cùng Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Sao Sáng được lựa chọn làm chủ đầu tư Dự án Xây dựng khu nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị tại số 444 Chợ Hàng, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng.
Ngoài các pháp nhân nói trên, được biết ông Bùi Tố Minh hiện còn đứng tên đại diện một số doanh nghiệp khác như: Công ty cổ phần Pusamcap Sapa, Công ty cổ phần Sân golf Silk Path Lào Cai, Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Hạ tầng Plaschem, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Plaschem, Công ty TNHH Khu công nghiệp Gò Công Tiền Giang, Công ty cổ phần Điện Mặt trời miền Trung MK.