Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Quen người lạ qua mạng, bé gái 13 tuổi bị lừa bán ra nước ngoài: Cảnh giác với thủ đoạn mua bán trẻ em

Sau khi bị bán ra nước ngoài, bé gái 13 tuổi bị áp bức lao động, muốn được về nhà phải nộp 350 triệu đồng cho kẻ buôn người. 

Theo tin tức trên báo Thanh niên, Tuổi trẻ, ngày 23/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp cùng Cục phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã giải cứu thành công bé gái bị lừa bán sang Đặc khu kinh tế tỉnh Bò Kẹo (Lào).

Được biết, bé gái là người dân tộc Thái, quê ở H.Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Vào tháng 9/2022, cô bé có quen một người phụ nữ lạ qua mạng xã hội. Sau đó, người này đã dùng thủ đoạn tinh vi lôi kéo lừa bán bé gái sang Myanmar. 

Tháng 12/2023, bé gái bị bán sang Đặc khu kinh tế tỉnh Bò Kẹo (Lào) và bị áp bức lao động khổ cực. Đáng nói, kẻ buôn người ra điều kiện nếu muốn trở về thì phải báo gia đình gửi tiền chuộc là 350 triệu đồng. 

Sau thời gian khổ cực, bé gái đã tìm cách viết đơn kêu cứu tới Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng này đã phối hợp cùng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP Việt Nam giải cứu thành công, đưa cháu về Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) an toàn và bàn giao cho Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh tại Hà Nội để hỗ trợ tâm lý, sức khỏe trước khi về nhà.

be-gai-bi-ban-ra-nuoc-ngoai-1713858717.jpg
Quen người lạ qua mạng, bé gái 13 tuổi bị lừa bán ra nước ngoài. Ảnh Báo Hà Tĩnh

Cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm buôn bán trẻ em

Thống kê từ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho thấy, hiện nay tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 địa phương, với gần 90% là mua bán người ra nước ngoài, chủ yếu là sang Trung Quốc.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này hết sức tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng phạm tội thường tìm cách tiếp cận, làm quen với nạn nhân qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Viber, điện thoại di động, Internet để dụ dỗ, lôi kéo,  giả vờ yêu đương, kết bạn rồi lừa bán nạn nhân…

Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Tội mua bán người dưới 16 tuổi

- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;

Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;

Đối với từ 02 người đến 05 người;

Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Phạm tội 02 lần trở lên;

Vì động cơ đê hèn;

Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

Có tổ chức;

Có tính chất chuyên nghiệp;

Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

Đối với 06 người trở lên;

Tái phạm nguy hiểm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Xem thêm: Vụ shipper bị trộm xe và 80 đơn hàng: Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Minh Khuê (t/h)