Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Sập mái kính ở Hà Nội 4 người thương vong: Trách nhiệm thuộc về ai?

Nguyên nhân và trách nhiệm các bên liên quan trong vụ sập mái kính ở phường Cửa Nam khiến 4 người thương vong đang được điều tra làm rõ.

Như tin đã đưa, sáng 15/4 khi một nhóm công nhân đang tu sửa mái kính tại khu vực giếng trời ở tầng 7 của tòa nhà số 22, Tức Mạc, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm thì xảy ra tai nạn. Công trình này có dạng hình ống và diện tích 148m2.

Trong lúc thi công, phần kính giếng trời bị vỡ khiến 2 công nhân N.V.T. (23 tuổi, ngụ tại Hà Nội) và H.V.B. (32 tuổi, quê ở Kiên Giang) tử vong tại chỗ. 2 người còn lại bị thương đang được điều trị tại bệnh viện Việt Đức.

luat-su-thao-1713252322.jpg
Luật sư Phạm Thảo – Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng

Liên quan tới trách nhiệm của các bên, trao đổi với PV, Luật sư Phạm Thảo – Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, cho biết: Hiện vụ án vẫn đang được điều tra làm rõ, tuy nhiên theo thông tin vụ việc ban đầu, ở đây, chủ đầu tư là người thuê nhóm công nhân thực hiện các công việc sửa chữa mái kính tại khu vực giếng trời, do đó chủ đầu tư sẽ phải đánh giá các mức rủi ro và giám sát đảm bảo an toàn lao động cho nhóm thợ do mình thuê.

"Trường hợp quá trình điều tra, xác minh sự việc cho thấy rằng chủ đầu tư công trình không đảm bảo công tác an toàn lao động, không thực hiện theo đúng chỉ dẫn an toàn lao động khi làm việc trên cao và là nguyên nhân dẫn đến sự việc trên thì chủ đầu tư có thể sẽ bị xem xét các trách nhiệm pháp lý đồng thời bồi thường thiệt hại cho những người bị nạn.

Ngoài ra, nếu trong trường hợp này, chủ đầu tư thuê nhà thầu để thực hiện, thì trách nhiệm của nhà thầu trong việc cử đội nhóm công nhân đến thi công trong tình trạng không đảm bảo an toàn lao động, không được trang bị bảo hộ lao động theo quy định cũng có thể bị xem xét làm rõ.

Cuối cùng, mặc dù là đối tượng bị thiệt hại nhưng cũng cần phải đề cập đến một phần trách nhiệm của chính người lao động trong trường hợp này, nếu chủ đầu tư hoặc nhà thầu đã yêu cầu người lao động phải đảm bảo an toàn lao động, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động trước khi thực hiện công việc mà người lao động vẫn không chịu trang bị thì ở đây cũng có thể có một phần lỗi của người lao động cũng cần được làm rõ", Luật sư Thảo phân tích.

vu-sap-mai-kinh-o-ha-noi3-1713257827.jpg
Hiện trường vụ sập mái kính tại căn nhà ở ngõ Tức Mạc làm 4 người thương vong. Ảnh: Tuổi Trẻ

Được biết, quy định về an toàn lao động khi làm việc trên cao tại Mục 2.7 QCVN18:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 16/2021/TT-BXD ngày 20/12/2021 để ngăn ngừa nguy hiểm, người sử dụng lao động phải có kế hoạch và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn chống rơi ngã; biện pháp sơ cứu, cấp cứu trong các trường hợp làm việc trên cao, làm việc trên các mái nhà, mái dốc cụ thể ở các khoảng trống phải có lan can an toàn và tấm đặt chân, trường hợp không thể lắp đặt lan can và tấm đặt chân thì người lao động phải sử dụng dây an toàn; trong trường hợp không thể lắp đặt được lan can an toàn, người lao động khi làm việc trên cao (kể cả ở độ cao dưới 2,0 m nhưng vẫn có nguy cơ tai nạn nếu không có biện pháp bảo vệ) phải được bảo vệ đầy đủ bằng lưới an toàn, tấm (sàn) đỡ an toàn hoặc phải có sàn công tác hoặc phải sử dụng dây an toàn cùng với dây cứu sinh được treo (buộc) chắc chắn.

Cũng tại mục 2.7.3.9 Quy chuẩn này có nêu các trường hợp người lao động thực hiện các công việc xây dựng, bảo trì hoặc sửa chữa trên các công trình cao không được phép làm việc ngoài trời mà không đeo dây an toàn với dây cứu sinh gắn vào bậc thang hoặc các vòng neo, điểm neo chắc chắn trên công trình cao.