Bài toán lợi nhuận của doanh nghiệp?
Vào tháng 10/2022, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình đã sử dụng hơn 27 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ các tổ chức, cá nhân và tiền lãi ngân hàng từ tài khoản ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” để tổ chức thực hiện gói thầu Mua sắm máy tính bảng hỗ trợ học sinh.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình “im lặng” trước dấu hiệu đội giá gói thầu. Ảnh: Thuận Nguyễn.
Gói thầu được đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng thu hút 2 hồ sơ dự thầu của nhà thầu là công ty Cổ phần Dịch vụ ICT Quốc Gia và Liên danh SM-KN-MH-CNS. Ngày 20/10, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình Đặng Ngọc Tuấn phê duyệt cho ICT trúng thầu (theo Quyết định số 891/QĐ-SGDĐT) với giá 27.148.000.000 đồng.
Quyết định số 891/QĐ-SGDĐT ngày 20 tháng 10 năm 2022.
Sản phẩm duy nhất được chủ đầu tư mua sắm ở gói thầu này với số lượng 10.000 cái là Máy tính bảng K10/TPS/Trung Quốc với giá 2.714.800 đồng.
Theo như mô tả tại chương v, E-HSMT thì yêu cầu đối với hàng hóa này là “cấu hình tương đương hoặc cao hơn: Màn hình: 10.1 inch; 1280x800 IPS Ram: 3G Lưu trữ: 32G Hệ điều hành: Android 10,11 Camera: Trước: 2.0Mp, Sau: 5.0 MP Microphone: 1 Microphone Loa: 02 loa Kết nối: 2G, 3G, 4G Wifi: IEEE 802.11 a/b/g/n/ac Bluetooth: 4.2 VoLTE Cổng: 1 x headphone/Microphone 3.5mm, 1 x pin Conector, 1 x USB 2.0 Pin: 6000mAh Tiêu chuẩn chống nước: IPX5 Tiêu chuẩn tiết kiệm điện: ENERGY STAR Sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường: RoHS Compliant Công nghệ lọc ánh sáng xanh: Có Ứng dụng: Visafe, Microsoft Team, Google Meet, Zoom, Ispeed, Gmail, Google search…. Bảo hành 12 tháng, 1 đổi 1 trong 03 tháng đầu nếu do lỗi nhà sản xuất”.
Trong vai một doanh nghiệp tìm nguồn cung, PV đã kết nối thẳng tới hãng sản xuất SZ TPS Co., Ltd. ở Trung Quốc và nhận được báo giá có dấu đỏ của công ty này cho máy tính bảng cùng model, xuất xứ, cấu hình như trên là khoảng 84 USD, cộng 15% thuế VAT và nhập khẩu (theo HS code của sản phẩm) thì hơn 2,3 triệu đồng/cái. Theo phía hãng sản xuất, phí vận chuyển cả kiện hàng về Việt Nam trong khoảng hơn 500 USD. Như vậy, giá sản phẩm hãng cung cấp cho đơn đặt hàng từ Việt Nam thấp hơn so với giá công ty trúng thầu hơn 300 nghìn đồng/cái. Tổng số lượng mua sắm ở gói thầu sẽ chênh hơn so với giá PV tham khảo khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Bảng so sánh dựa trên các số liệu mà PV tham khảo được.
Tất nhiên, chủ đầu tư không thể đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất khi đã sử dụng hình thức mua sắm là đấu thầu. Việc mời thầu, đấu thầu rộng rãi là để mua sắm với giá cạnh tranh hơn, kinh tế hơn với những sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu. Thế nhưng, giá mà công ty Cổ phần Dịch vụ ICT Quốc Gia cung cấp cho sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đang cao hơn nhiều so với giá hãng.
Ở một kênh tham khảo khác, PV có thông tin máy K10 được nhập khẩu về Việt Nam ở những thời điểm khác nhau (thời gian từ trước và sau khi thực hiện gói thầu 6 tháng) với giá dao động khoảng 1.650.728 – 2.274.039 đồng/cái (theo tìm hiểu thì sản phẩm này còn phải chịu thêm 15% thuế VAT và thuế nhập khẩu).
Xin lưu ý rằng, đây cũng chỉ là khai báo tại cảng, để đến được với chủ đầu tư thì chắc chắn là một mức giá khác vì doanh nghiệp cần đảm bảo bài toán kinh doanh có lãi. Thế nhưng, giả thiết đặt ra là, chênh lệch từ khoảng 400 nghìn đồng đến gần 1 triệu đồng/1 cái máy tính bảng, nếu để tính toán vào chi phí vận chuyển, kho bãi, lợi nhuận của doanh nghiệp… thì có hợp lý chưa? Bởi khi so sánh trên số lượng 10.000 cái như sở GD&ĐT Quảng Bình mua sắm thì số tiền chênh lệch là nhiều tỷ đồng.
Để có thông tin khách quan, đa chiều hoàn thiện bài viết, PV đã liên hệ tới sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, nhưng chưa nhận được phản hồi.
“Cần làm rõ vấn đề”
Theo một chuyên gia (đề nghị không nêu tên), nếu biên độ dao động quá lớn khi so sánh giá sản phẩm giữa gói thầu và giá thị trường thì chắc chắn sẽ có sự bất bình thường trong công tác thẩm định giá và đấu thầu. Khi xuất hiện sự bất bình thường, cần rà soát lại từ đầu, không chỉ là quy trình bởi nhiều khi người ta lách luật, quy trình vẫn đúng. Giá chênh lệch hàng tỷ đồng thì dù có làm đúng quy trình chắc chắn vẫn cần làm rõ vấn đề, không phải đơn thuần là chuyện tôi mua phải chỗ bán đắt.
Về thực tế lâu nay có hiện tượng cố tình móc ngoặc giữa các đơn vị nhằm nâng khống giá thiết bị, ăn chia lợi ích nhóm trong hoạt động đấu thầu, vị chuyên gia cho rằng: “Một phía thì không thể làm được gì bởi các quy định về lĩnh vực đấu thầu hiện khá chặt chẽ, phải có sự kết hợp giữa nhà cung cấp, các bên liên quan khi thực hiện gói thầu”.
Trên mạng đấu thầu Quốc gia, công ty Cổ phần Dịch vụ ICT Quốc Gia có địa chỉ trụ sở số 94 ngõ 13 Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cập nhật số liệu đến ngày 7/5, công ty này đã tham gia 231 gói thầu, trong đó trúng 78 gói, tổng giá trị trúng thầu: 1.090.415.312.891 đồng.
Trụ sở công ty Cổ phần Dịch vụ ICT Quốc Gia.
Còn sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình tổ chức khoảng 85 gói thầu với tổng giá trị gần 340 tỷ đồng. Nhiều gói sau khi mở thầu qua mạng chỉ thu hút 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu, ví dụ như: gói Mua sách lần 4 và gói Nâng cấp Cổng thông tin điện tử ngành đầu năm 2024; gói Xây lắp (Chi phí xây dựng + Thiết bị + dự phòng) tháng 11/2023; gói Mua sắm trang phục cho giáo viên khối trực thuộc dạy môn Giáo dục thể chất và môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh tháng 12/2023;
Hoặc gói Mua sắm thiết bị dạy học môn giáo dục thể chất cho các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, ngoài việc chỉ có 1 nhà thầu công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tấn Phát Sport dự thầu, trúng thầu (tháng 12/2023) với giá 2,8 tỷ đồng, thì gói này còn có tỉ lệ tiết kiệm thấp, đạt 0,3%;