Mật ong – Vị ngọt có lợi cho hệ tiêu hóa
Mật ong là nguồn tạo ngọt tự nhiên chứa nhiều enzyme, axit amin và hợp chất chống oxy hóa. Đặc biệt, nó hoạt động như một loại probiotic giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện nhu động ruột. Một lượng nhỏ mật ong mỗi ngày có thể giúp làm dịu dạ dày, giảm triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, thậm chí hỗ trợ làm lành niêm mạc bị viêm loét.

Không chỉ vậy, khả năng kháng khuẩn của mật ong còn giúp bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi các tác nhân gây hại. Khi dùng đúng liều lượng, mật ong có thể trở thành một trợ thủ đắc lực trong việc duy trì sức khỏe đường ruột.
Tuy nhiên... “quá liều” có thể gây phản tác dụng
Dù chứa nhiều lợi ích, nhưng tiêu thụ mật ong quá nhiều – hoặc dùng không đúng thời điểm – lại có thể khiến dạ dày và hệ tiêu hóa “lên tiếng”.
1. Đầy hơi, khó tiêu, táo bón
Hàm lượng fructose cao trong mật ong có thể gây lên men trong ruột, dẫn đến đầy hơi, khó tiêu – đặc biệt ở người có hệ tiêu hóa nhạy cảm hoặc mắc hội chứng ruột kích thích (IBS). Người đang bị táo bón cũng nên cẩn trọng, vì dùng quá nhiều mật ong đôi khi khiến tình trạng nặng thêm.
2. Tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa
Uống mật ong khi bụng đói hoặc dùng với lượng lớn có thể làm tăng axit dạ dày, gây kích ứng và rối loạn tiêu hóa. Fructose trong mật ong nếu không được hấp thu hoàn toàn có thể khiến nước bị kéo vào ruột non, gây tiêu chảy và đau bụng.
3. Tăng đường huyết
Dù là đường tự nhiên, nhưng mật ong vẫn chứa lượng đường và carbohydrate khá cao. Khi tiêu thụ vượt quá mức cho phép, nó có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt – đặc biệt nguy hiểm với người bị tiểu đường hoặc rối loạn chuyển hóa.
4. Tăng cân ngoài ý muốn
Một thìa mật ong nhỏ đã cung cấp khoảng 60-70 kcal. Nếu không kiểm soát lượng dùng hàng ngày, bạn dễ rơi vào tình trạng dư thừa calo, dẫn đến tăng cân, đặc biệt nếu đang trong quá trình giảm béo hoặc ăn kiêng.
5. Gây hại men răng
Khoảng 82% mật ong là đường – điều này khiến mật ong trở thành “kẻ thù” tiềm tàng của men răng nếu dùng nhiều và không vệ sinh miệng kỹ. Đường trong mật ong dễ bám vào răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây sâu răng.

Dùng mật ong sao cho đúng cách và an toàn?
Liều lượng khuyến nghị:
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), nam giới chỉ nên tiêu thụ tối đa 36g mật ong/ngày, phụ nữ và trẻ em không quá 24g/ngày.
Trẻ dưới 1 tuổi tuyệt đối không được dùng mật ong do nguy cơ ngộ độc botulinum.
Không uống mật ong khi bụng đói, đặc biệt là vào sáng sớm, vì có thể gây cảm giác buồn nôn, cồn cào và tụt huyết áp nhẹ ở người nhạy cảm.
Ưu tiên mật ong nguyên chất, chưa qua xử lý để đảm bảo giữ nguyên các dưỡng chất và enzyme tự nhiên.
Không pha mật ong với nước quá nóng (trên 60°C) vì có thể làm mất các enzyme có lợi trong mật ong.
Mật ong là thực phẩm thiên nhiên quý giá, vừa ngon lại giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, điều quan trọng là biết sử dụng đúng cách và điều độ. Dùng quá nhiều hoặc sai thời điểm có thể biến vị ngọt của mật ong thành nỗi lo cho dạ dày và sức khỏe tổng thể.